"Bí kíp" thi tốt nghiệp THPT
- Details
- Đăng ngày 07/08/2020 Lượt xem: 3144
Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra tại 63 cụm thi địa phương. Các thầy cô giàu kinh nghiệm có những lời khuyên giúp thí sinh làm bài tốt
Toán, ngữ văn và tiếng Anh là 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các giáo viên lưu ý thí sinh (TS) tránh những lỗi thường gặp khi ở trong phòng thi.
Toán: Tránh nhầm lẫn khái niệm
Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho rằng việc đầu tiên là TS phải đọc kỹ đề, không nhầm lẫn giữa các khái niệm. Trước đây, những lỗi mà TS thường mắc phải là đem kết quả trong trường hợp đặc biệt để kết luận cho trường hợp tổng quát. Không đặt điều kiện hoặc đặt điều kiện không đúng dẫn đến thừa hoặc thiếu đáp số. Không xét hết các trường hợp có thể xảy ra đối với bài toán mang tham số.
Theo thầy Toàn, từ cấu trúc đề thi, TS cần chuẩn bị kỹ năng làm bài cho từng phần để đạt kết quả tốt nhất. Cụ thể, mức độ dễ thể hiện trong 25 câu đầu, trong đó đề chỉ yêu cầu tái hiện các kiến thức cơ bản và có nhiều câu chỉ kiểm tra công thức, kể cả các công thức liên quan đến lớp 11. Do vậy, cần đánh giá nhanh câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai hoặc thấy ngay phương án đúng. Trong 13 câu tiếp theo, cần kết hợp một số kỹ năng giải toán. Đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi hoặc sử dụng máy tính. Tiếp đến, 12 câu sau ở mức độ khó dần, phần này nên làm thành nhiều lượt. Trước hết, làm các dạng câu đã được chuẩn bị tốt ở nhà, sau đó dành thời gian cho các câu còn lại và không nên dừng quá lâu cho một câu hỏi nào đó.
Trong quá trình làm bài, nếu không nhận ra phương án đúng thì nên sử dụng phương pháp loại trừ để chỉ ra chỗ không hợp lý nếu có trong mỗi phương án. Ngoài ra có một số câu hỏi mang tính tổng quát thì chuyển ngay bài toán đó về dạng đặc biệt để giải.
Thí sinh nên đọc kỹ đề, phát huy thế mạnh thì sẽ đạt điểm cao. Ảnh: TẤN THẠNH
Ngữ văn: "Săn" điểm cho từng phần
Ở môn ngữ văn, theo cô Hồ Ái Linh, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP HCM), học sinh (HS) nên nắm vững cấu trúc đề thi THPT quốc gia qua các năm để có định hướng tốt nhất trong quá trình ôn tập. Từ đó, các em đặt mục tiêu "săn" điểm cho từng phần để đạt hiệu quả cao nhất. Ngữ văn là bộ môn đặc thù khi làm bài thi phải viết nhiều. Vì vậy, HS phải chú trọng kỹ năng đọc - hiểu văn bản, cảm nhận được nội dung để có thể trình bày, diễn đạt thành một bài thi hoàn chỉnh. Với xu hướng ra đề ngày càng đổi mới, mở rộng, nội dung thi không chỉ là những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà bao gồm cả hệ thống ngữ liệu với nội dung phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống hằng ngày. Chính điều đó sẽ thôi thúc quá trình tự tìm tòi, học hỏi và thái độ sống của HS trước các vấn đề nóng hổi trong xã hội.
Phạm vi kiến thức trọng tâm cần lưu ý đối với phần đọc - hiểu văn bản. Qua đề thi THPT quốc gia từng năm, tôi nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra đề ngày càng sát với thực tế và hướng về việc giáo dục nhân cách, đạo đức HS. Ở phần đọc - hiểu có 4 câu hỏi tương ứng 4 mức độ nhằm đánh giá HS một cách khách quan nhất, đó là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Phạm vi ngữ liệu thường được đưa ra là những vấn đề gần gũi với HS và phù hợp với nhận thức, trình độ của các em.
Đối với phần làm văn: Câu 1: Bài nghị luận xã hội được rút ra từ phần đọc - hiểu với độ dài khoảng 200 chữ. Vấn đề được nêu trong câu hỏi đều quen thuộc trong cuộc sống. Câu 2 (chiếm nửa số điểm của toàn bài) yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông (chủ yếu là lớp 12). Bên cạnh đó là một ý nhỏ nâng cao để phân loại HS có giá trị từ 0,5 đến 1 điểm.
Căn cứ vào đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, có thể thấy thời gian làm bài là 120 phút với 2 phần đọc - hiểu và làm văn. Để tránh tình trạng bị thiếu thời gian trong quá trình làm bài hoặc không hoàn thành bài thi, TS nên chia và phân bổ thời gian hợp lý. Phần đọc - hiểu làm trong 20 phút, nghị luận xã hội 20 phút, nghị luận văn học 80 phút. TS phải đọc kỹ đề, hạn chế ghi nháp quá nhiều gây mất thời gian, chỉ nên ghi các luận điểm chính để triển khai bài làm. Khi viết văn phải trình bày rõ ràng, luận điểm, luận cứ chặt chẽ và thuyết phục. Không viết quá dài, lan man. Đối với các câu hỏi, TS có thể sáng tạo và đưa ra quan điểm cá nhân để bài viết thêm sinh động.
Tiếng Anh: Ưu tiên thế mạnh
Ở môn tiếng Anh, theo thầy Phạm Hùng, giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP HCM): TS nên giải quyết phần thế mạnh của mình trước để lấy 50% số điểm. Tuy nhiên, mỗi TS có thế mạnh riêng nên cần đọc kỹ đề để xác định phần nào mình làm tốt nhất để lấy điểm. Số điểm còn lại tùy khả năng mỗi em để kiếm thêm điểm cho bài thi của mình. |
Theo Đặng Trinh
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bi-kip-thi-tot-nghiep-thpt-20200806214125774.htm