Trang bị kỹ năng sống thế nào cho hiệu quả?


Vừa mới kết thúc năm học, thông tin một học sinh bị đuối nước tại phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An làm phụ huynh, thầy cô, bạn bè xót xa. Mặc dù địa phương và ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền và thực hiện các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ nhưng năm nào cũng vậy, vẫn xảy ra vài trường hợp trẻ đuối nước. Và câu chuyện trang bị kỹ năng sống thế nào cho hiệu quả để trẻ có thể ứng phó với các tình huống nguy hiểm lại được nhắc đến.

Cần trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống đuối nước (Ảnh: internet)

Để trẻ được thực hành những điều đã học

Sự ra đi đột ngột của em học sinh trên không chỉ là nỗi đau của gia đình, nhà trường mà còn để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc. Sau khi được nghỉ học, em và một số bạn hẹn nhau đi chơi, trong lúc nô đùa, em chẳng may bị ngã xuống kênh. Thay vì kêu người lớn cứu bạn, các em còn lại lo lắng, hoảng loạn và giấu luôn chuyện bạn bị đuối nước. Đến khi gia đình phát hiện thì mọi việc đã muộn. Tình huống này chắc chắn các em đã được học, được tuyên truyền nhưng khi đối diện với thực tế thì lại lúng túng, không thể ứng phó. Hiện nay, dạy kỹ năng sống cho học sinh được đưa vào chương trình học từ tiểu học đến phổ thông nhưng chủ yếu chỉ dạy lý thuyết, các em chưa được thực hành nên khi gặp tình huống cụ thể, nhiều em lúng túng, không thể giải quyết.

Câu chuyện của một chị được chia sẻ trên các diễn đàn về việc để trẻ thực hành những kỹ năng thu hút sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Sau một số vụ cháy chung cư, nhà ở, chị quan tâm hơn đến việc dạy con mình những kỹ năng tự thoát khỏi nguy hiểm như khi xảy ra cháy: Cần cúi người xuống sát đất để tránh ngạt khói rồi lần theo vách tường để ra ngoài. Chị còn dạy con cách sử dụng thang dây khi cần thiết, cách sử dụng mền nhúng nước để chống ngạt. Rồi một hôm, mẹ con chị ra ngoài mà quên tắt bếp, đến khi trở về thì khói mù mịt, chị vội mở cửa nhà rồi lao vào tắt bếp, đến khi quay trở ra sân thì không thấy 2 đứa con đâu. Thì ra, khi thấy mẹ vào nhà, các con chạy theo và làm rất đúng điều chị dạy, cúi người xuống sát đất, lần theo vách tường để… vào trong đám cháy.

Việc trang bị kỹ năng sống cần chú trọng dạy thực hành cho các em bởi khi gặp sự cố, các em dễ quên lý thuyết và trở nên lúng túng, hoảng loạn, không xử lý được tình huống. Dạy kỹ năng sống không chỉ một vài lần mà phải nhắc đi, nhắc lại làm sao để các em có thể nhớ và thực hành một cách tốt nhất.

Cha mẹ là người có vai trò quyết định đến kỹ năng của trẻ

Ngày nay, nhiều gia đình vẫn “khoán trắng” việc trang bị kỹ năng sống cho nhà trường mà quên rằng cha mẹ mới là người đóng vai trò quyết định. Chính sự nuông chiều các con của cha mẹ đã biến những đứa trẻ thành “gà công nghiệp”, không có được những kỹ năng cơ bản. Hiện có nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 vẫn không biết nấu cơm bằng nồi cơm điện, không biết rửa chén sau khi ăn cơm và thậm chí không phải xếp mền, gối sau khi ngủ dậy, bởi mọi việc đều có mẹ làm thay. Chính điều này đã tạo nên cho trẻ tính hưởng thụ và ích kỷ, muốn được người khác phục vụ. Đây là sẽ là sự cản trở rất lớn cho các em sau này khi phải sống tự lập, xa gia đình.

Hè đến, các địa phương, ngành chức năng tổ chức nhiều lớp học về kỹ năng sống cho trẻ rất thú vị và được phụ huynh phản hồi tốt về hiệu quả của các lớp học này. Chẳng hạn như chương trình Học kỳ quân đội rèn luyện cho các em tính kỷ luật, sống, làm việc tập thể, biết lao động và phân bổ thời gian trong ngày một cách hiệu quả hơn hay Khóa tu mùa hè cũng góp phần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết. Thế nhưng, để trẻ tiếp tục rèn luyện những kỹ năng này, cần lắm sự giáo dục và hỗ trợ từ gia đình. Nếu trẻ chỉ được học và thực hành trong những ngày tham gia Học kỳ quân đội sau đó trở về gia đình, cha mẹ lại làm thay mọi việc thì những điều đã học được sẽ không phát huy hiệu quả. Và cha mẹ phải đồng hành cùng con trong việc hình thành và duy trì những thói quen tốt. Thử nghĩ, cha mẹ khuyên con nên tập thể dục buổi sáng và tham gia một môn thể thao nhưng bản thân mình lại không làm gương thì sao trẻ có thể thực hành?

Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống không mới nhưng vẫn được nhắc đến. Và qua từng trường hợp cụ thể, gia đình, nhà trường cần rút ra những bài học kinh nghiệm về cách giáo dục để giúp các em có thể ứng phó, xử lý những khủng hoảng trong cuộc sống và có thể vượt qua nguy hiểm./.

 Theo Minh Trang

http://baolongan.vn/trang-bi-ky-nang-song-the-nao-cho-hieu-qua-a98794.html

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​