Đưa trường học đến thí sinh 2020: Thay đổi thi THPT tác động mạnh đến thí sinh
- Details
- Đăng ngày 24/04/2020 Lượt xem: 3416
Việc kỳ thi THPT thay đổi chỉ còn một mục đích xét tốt nghiệp kéo theo hàng loạt điều chỉnh trong phương án xét tuyển của các trường ĐH, thiệt thòi nhất vẫn thuộc về phía thí sinh
Sáng 23-4, chương trình tư vấn trực tuyến - truyền hình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 19-2020, do Báo Người Lao Động tổ chức, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phối hợp thực hiện với chủ đề "Thay đổi trong thi THPT, chọn nguyện vọng phù hợp" diễn ra ngay sau khi phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được thông qua. Chương trình sẽ được phát sóng trên kênh HTV Key vào lúc 11-12 giờ thứ bảy (25-4), phát lại vào 9-10 giờ chủ nhật (26-4).
Khoảng 70% thí sinh lúng túng
Theo phương án mới, kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sẽ trở thành kỳ thi với một mục đích là để công nhận tốt nghiệp THPT. Câu hỏi đặt ra đối với phương án thi này là nếu hơn 90% tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp hằng năm và chúng ta cũng vừa trải qua dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thì kỳ thi THPT 2020 chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT sẽ tác động ra sao tới các trường và thí sinh?
TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP HCM - cho biết đối với thí sinh nếu chỉ thi để tốt nghiệp thì không có gì khó khăn nhưng có đến 70% thí sinh muốn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên các em sẽ lúng túng.
Chưa kể, 10% thí sinh tự do sẽ rất khó khăn trong học tập để thi lại. Các trường ĐH, nhiều năm rồi sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cũng sẽ bị ảnh hưởng và lo lắng. Riêng với ĐHQG TP HCM, để chuẩn bị cho một kỳ thi phải chuẩn bị cả 10 năm từ khâu chuẩn bị cho đến tổ chức và đánh giá tác động. Và theo thống kê, chỉ khoảng 10% trường thành lập hội đồng trường, hơn 50% trường đủ điều kiện để thực hiện tự chủ tuyển sinh. Vậy đối với các trường còn lại trong năm nay có được quyền tự chủ tuyển sinh hay không? Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn chi tiết.
Các diễn giả tư vấn cho học sinh trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2020”, tổ chức sáng 23-4 Ảnh: TẤN THẠNH
ThS Nguyễn Văn Tài - Phó Ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP HCM - nhận định Bộ GD-ĐT ra cơ chế thi mới sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng thí sinh chú trọng thi vào các trường ĐH bằng các nhóm ngành và chỉ ôn môn chính, bây giờ lại phải ôn luyện thêm 2 môn khác. Đối với kỳ thi này, chỉ một số trường lấy điểm để xét tuyển, đa số trường vẫn lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển nên năm nay chỉ tiêu sẽ giảm so với năm ngoái. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM dự kiến sẽ điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh, thay vì năm ngoái dành 80% chỉ tiêu cho kỳ thi THPT quốc gia nay chỉ còn 40%, đẩy các hình thức xét tuyển khác lên.
Tại Trường ĐH Ngoại thương, ThS Trần Đình Huyên - Trưởng Ban Đào tạo cơ sở 2 tại TP HCM - cho biết trường vẫn duy trì 3 phương thức tuyển sinh từ các năm trước (xét tuyển thẳng, 2 phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế), đồng thời bổ sung 1 phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi được tổ chức riêng. Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương (trong đó bao gồm cơ sở 2 tại TP HCM) trên hệ thống đăng ký trực tuyến của trường từ ngày 1-6.
Quan tâm ngành "hot"
Trước những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, việc lựa chọn nguyện vọng đúng, phù hợp là thí sinh đã đi được nửa quãng đường. Giữa tình hình kinh tế nhiều biến động do dịch bệnh, nhiều thí sinh quan tâm xu hướng chọn khối ngành kinh tế cũng có thay đổi hay không?
ThS Trần Đình Huyên cho biết Trường ĐH Ngoại thương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực kinh tế ngoại thương và kinh doanh quốc tế nên trong suốt thời gian qua số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương tương đối ổn định, không có sự biến động lớn. "Theo quan điểm cá nhân, năm 2020 vẫn không thay đổi và sẽ không có sự biến động về số lượng thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Ngoại thương nói riêng và trường ĐH có đào tạo khối ngành kinh tế nói chung. Tại cơ sở TP HCM, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của chuyên ngành kinh tế đối ngoại nhiều hơn nên số lượng thí sinh đăng ký vào chuyên ngành này nhiều hơn và điểm chuẩn trúng tuyển cũng cao hơn so các chuyên ngành còn lại.
Thí sinh Diệu Hằng tại quận 4, TP HCM cho biết rất quan tâm đến ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình và điều kiện thi tuyển. Theo ThS Trần Hồng Quỳnh - Phó Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - ngành nghề mà em đang yêu thích là ngành rất "hot", những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ giải trí, nhất là những người làm đạo diễn, để tạo ra một sản phẩm nghệ thuật tốt nhất. Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ từ làng giải trí dẫn đến sức hút mạnh mẽ của các ngành thuộc lĩnh vực giải trí, văn hóa nghệ thuật, vì thế ngành diễn viên điện ảnh - truyền hình là một trong những ngành đang được nhiều trường đẩy mạnh đào tạo.
Thí sinh Gia Linh tại Trường THPT Gò Vấp, TP HCM có thắc mắc: Nhóm ngành thực phẩm và ẩm thực có liên quan đến nhau, ra trường triển vọng công việc có tốt không? Trả lời câu hỏi này, ThS Nguyễn Văn Tài cho biết trong Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM có 2 mảng gần giống nhau là khối ngành công nghệ thực phẩm, bảo đảm chất lượng và khối ngành khoa học dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến món ăn. Khối ngành công nghệ thực phẩm: xây dựng quy trình sản xuất ra thực phẩm, tham gia dây chuyền sản xuất. Khối ngành khoa học dinh dưỡng: trên bao bì luôn luôn có giá trị dinh dưỡng, nhiệm vụ của chuyên gia dinh dưỡng là xác định những giá trị đó để đưa ra giá trị dinh dưỡng cụ thể như thế nào, cân đối hàm lượng, xây dựng chế độ dinh dưỡng tùy đối tượng. Hiện vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề "nóng" của xã hội, nhu cầu việc làm rất lớn.
Đừng quá lo lắng! Thay đổi cơ chế thi cũng sẽ kéo theo thay đổi hàng loạt vấn đề như quy chế thi, quy chế tuyển sinh, với thời gian gấp gáp cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các trường ĐH và thí sinh. Theo TS Lê Thị Thanh Mai, đối với các trường, việc xây dựng quy chế, quy định của một trường cũng không khó khăn gì. Nhưng quy chế của bộ, quy định của bộ thì có tác động rất lớn vì thế phải chờ hướng dẫn tiếp theo của bộ. Trong lúc này, nhiều trường cũng phải truyền thông lại về những điều chỉnh, thay đổi. Thí sinh cũng không nên lo lắng vì để tuyển được thí sinh thì các trường sẽ không đánh đố các em. Thí sinh cần xác định mình muốn làm điều gì trong tương lai, để làm được việc đó thì học ngành nào, ngành đó thì có ở những trường nào. Khoanh vùng các trường mình yêu thích. Xem các phương thức tuyển sinh và quyết định. Nếu các trường liên minh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM thì không có gì khó khăn, nếu thí sinh vẫn mong muốn tham gia kỳ thi này thì lên trang web để thử làm các đề thi mẫu. |
Nhóm Phóng viên