Lịch thi THPT quốc gia thay đổi, ảnh hưởng gì đến thí sinh?

Ngày 3-3, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sự chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020

Phóng viênViệc nghỉ học dài ngày vì phòng chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các nhà trường trên cả nước. Vậy kế hoạch tổ chức cũng như các khâu chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

PGS-TS MAI VĂN TRINH: Căn cứ diễn biến của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc vào ngày 30-6; kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019-2020 tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26-7-2020. Đây là những mốc thời gian đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay (học sinh vẫn có thời gian hơn 3 tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn tập như các năm trước).

PGS-TS Mai Văn Trinh

Thí sinh TP Hà Nội tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Ảnh: Ngô Nhung

Công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia đang được Bộ GD-ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở GD-ĐT tiến hành như những năm trước.

Không ít học sinh lớp 12 lo lắng trước nguy cơ hổng kiến thức vì nghỉ quá dài. Ông có lời khuyên gì để các em có thể yên tâm ôn tập nhằm đạt kết quả tốt?

- Phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, những điều chỉnh kỹ thuật chỉ liên quan đến cán bộ tham gia kỳ thi, không ảnh hưởng đến thí sinh, do vậy các em yên tâm học, ôn tập và chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi.

Tôi thừa nhận việc nghỉ học do Covid-19 đã gây xáo trộn nhất định trong việc học tập của các em, tuy nhiên, đó cũng là cách để các em tự học, ôn tập, bổ sung kiến thức cho mình. Nếu các em biến điều này thành cơ hội thì thực ra các em có nhiều thời gian ôn thi hơn các năm trước. Tôi đề nghị nhà trường, gia đình học sinh cần có kế hoạch hỗ trợ với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để các em không bỏ phí thời gian không đến trường mà cần tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tới.

Ông có lưu ý gì đối với các nhà trường, nhất là trong bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp?

- Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, bảo đảm kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.

Chính vì thế, các địa phương cần chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo, toàn diện trong tổ chức kỳ thi, nhất là ở các nội dung trọng tâm sau. Thứ nhất, bằng các phương thức linh hoạt, hiệu quả để tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắt xén chương trình ngay cả trong thời gian cho học sinh nghỉ học, nhất là khi học sinh quay lại trường. Thứ hai, các thầy cô nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và đề thi tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh. Thứ ba, chuẩn bị đầy đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên và lên kế hoạch tập huấn để bảo đảm thực hiện tốt các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi, chấm thi, thanh tra thi.

Cuối cùng, rà soát kỹ càng cơ sở vật chất, thiết bị bao gồm: phòng thi, phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại các điểm thi, địa điểm chấm thi; hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin theo yêu cầu của các khâu tổ chức thi; thiết bị theo dõi an ninh; máy móc phục vụ công tác in, sao đề thi; in phiếu trả lời trắc nghiệm, trang bị máy quét đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để chấm thi trắc nghiệm bảo đảm chính xác, đúng tiến độ…

Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ - ngành, địa phương, cơ sở GD-ĐT tiếp tục chuẩn bị, rà soát, điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để kỳ thi THPT quốc gia 2020 tốt hơn, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra gian lận, tiêu cực.

Học sinh nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT lại không công bố đề thi minh họa nên không chỉ học sinh mà cả giáo viên, phụ huynh cũng lo lắng. Vậy theo ông, việc ôn tập nên tổ chức ra sao để đạt hiệu quả cao nhất?

- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019 nên Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa. Tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019. Các nhà trường cần tổ chức cho học sinh, giáo viên tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt.

Tôi có thể bật mí là phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài.

Yến Anh thực hiện

 

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lich-thi-thpt-quoc-gia-thay-doi-anh-huong-gi-den-thi-sinh-20200303203123841.htm

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​