Camera sẽ biến giáo viên thành... diễn viên!
- Details
- Đăng ngày 09/10/2019 Lượt xem: 9255
Nếu người thầy đứng trên bục giảng mà không có trái tim yêu thương học sinh, xem nghề giáo như một phương tiện kiếm cơm thì dù có hàng trăm camera cũng không giám sát nổi
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng môi trường lớp học không giống như đường phố vì dạy học là một môn nghệ thuật. Do vậy, nếu dùng camera giám sát thì trở nên quá vô cảm. Người thầy chỉ lo làm tròn vai, tạo hình ảnh lung linh trước máy. Họ trở thành những diễn viên và hậu quả thì không ai khác, chính các em học sinh (HS) phải gánh chịu.
Quan trọng là kỹ năng sư phạm
Trao đổi với phóng viên, vị phụ trách chuyên môn tiểu học một phòng giáo dục và đào tạo
(GD-ĐT) cho rằng một khi đã mất niềm tin thì việc gì cũng có thể làm, trong đó có việc gắn camera trong lớp học. Vấn đề là khi gắn rồi, có giám sát được toàn bộ hoạt động trong lớp không? Một giáo viên (GV) khi đã thiếu lương tâm thì họ có muôn cách che đậy hành vi khi bạo hành trẻ. "Gắn camera chỉ là một giải pháp tạm thời, mang tính ứng phó" - vị này nhìn nhận.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP HCM) tan trường ngày 8-10
Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Trong khi đó, cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, cho rằng khi thầy cô lựa chọn bạo lực với học trò thì không bao giờ đạt được mục đích giáo dục dù bao biện thế nào đi chăng nữa. Gắn camera chỉ là biện pháp giám sát. Bởi vì quan trọng nhất vẫn là kỹ năng sư phạm và trái tim người thầy.
"Cái gốc của vấn đề là kỹ năng và cách xử lý các tình huống sư phạm. Xa hơn nữa, trường sư phạm làm cách nào để sàng lọc đầu vào, phân biệt rõ những người chọn nghề giáo là sứ mệnh cuộc đời hay chỉ là phương tiện kiếm cơm" - cô Diễm Quyên đặt vấn đề.
Hầu hết các nước tiên tiến không gắn camera
ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng môi trường giáo dục khác hoàn toàn so với các công xưởng, nhà máy, đường phố…, ở đó họ cần camera để bảo đảm tính vận hành chính xác của máy móc, phương tiện. Còn môi trường giáo dục là môi trường của sáng tạo, gắn camera giám sát trong mỗi lớp học thì trở nên quá vô cảm, mà vô cảm quá thì không còn là môi trường sư phạm nữa!
Ông Điệp cũng cho rằng trong sự việc giáo viên bạo hành trẻ không thể không nhắc đến trách nhiệm của ban giám hiệu, đội ngũ quản lý. Nhà trường đã phân công công việc hợp lý chưa? Ban giám hiệu có biết từng cá tính, tâm tư, tình cảm của mỗi GV? HS khi vào trường được quản lý chặt chẽ bởi nhiều bộ phận mà để bị bạo hành thì trách nhiệm của các bên liên quan ở đâu? Lấy ví dụ từ hệ thống giáo dục Singapore, ông Điệp cho biết trong các lớp học ở quốc gia này, chỉ cần phát hiện HS có nguy cơ hư hỏng là GV chủ nhiệm phải lập tức báo cáo với ban giám hiệu. Sau đó, họ sẽ cử các chuyên gia đến dự giờ. Phát hiện một HS nào mất tập trung là lập tức được đưa đến các trung tâm để được giúp đỡ. "Chẳng hạn, HS nào mê nhiếp ảnh sẽ được tìm hiểu về khẩu độ, ánh sáng, cự ly… nhưng cuối cùng họ sẽ để HS nhận ra không có giáo dục thì không phát huy được đam mê, chính vì thế phải học tập nghiêm túc. Họ quan tâm đến từng HS nên chỉ cần thấy HS ngủ gật là phải có cách xử lý kịp thời. Họ không gắn camera trong lớp. Tôi đi các trường công ở Mỹ cũng không thấy họ làm vậy" - ông Điệp chia sẻ.
Cần sớm trả lại môi trường học tập bình yên Liên quan đến vụ việc cô giáo Nguyễn Hồng Hà - GV chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM - có hành vi bạo hành trẻ (phụ huynh phát hiện qua việc gắn camera trong lớp học), sáng 8-10, đoàn thanh tra của quận tiếp tục đến trường làm việc với các bên liên quan. Tuy nhiên, cô giáo Nguyễn Hồng Hà - người bị tố bạo hành - đã viết đơn xin nghỉ phép từ ngày 8-10 đến hết ngày 13-10. Ngày 7-10, cô Hà đã chia sẻ với báo chí rằng sẽ sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật. "Tôi đánh HS là sai, dù nặng hay nhẹ. Tôi xin nhận mọi hình thức kỷ luật của ngành giáo dục và muốn gửi lời xin lỗi tới phụ huynh. Do lớp quá đông, bản thân không kiềm chế được nên tôi đã đánh HS. Vấn đề sai phạm của tôi nghiêm trọng tới đâu, mức độ nào, thanh tra đang xác minh". Đồng thời, cô Hà cũng cho biết trước đó đã làm đơn tố cáo hiệu trưởng làm trái quy định nhà nước về thu chi tài chính. Ngày 22-8, UBND quận Tân Phú có kết luận cho rằng hiệu trưởng sai, cụ thể là kê khống tiền phụ trội và thu hồi lại. Ngày 31-8, cô Hà tiếp tục gửi đơn lên UBND TP và Thành ủy TP HCM. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, từ chối trả lời vấn đề mâu thuẫn giữa cô Hà và hiệu trưởng vì đó là vấn đề cá nhân và chưa có kết luận của thanh tra nên không thể trả lời. Đồng thời, việc tranh cãi ai đã lắp camera trong phòng học lớp 2/11, nhà trường không thể kết luận hay quy chụp được, việc đó đoàn thanh tra sẽ xác minh. Bà Tuyết cho rằng việc cô Hà trả lời báo chí những ngày qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường, ảnh hưởng đến tâm lý của các GV và sự cố gắng nhiều năm của cả tập thể; gây hoang mang rất nhiều đến phụ huynh, HS. Trường sẽ xử lý đúng quy định theo kết luận của thanh tra để sớm trả lại môi trường học tập bình yên cho HS. Ng.Thuận |