Nhiều nhà khoa học Việt Nam lọt top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới
- Details
- Đăng ngày 21/09/2019 Lượt xem: 13588
(NLĐO)- Nhiều nhà khoa học Việt Nam và gốc Việt lọt top 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất
Tạp chí PLoS Biology mới công bố một danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất. Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của John Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ)
Nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu nhà khoa học và lọc ra tốp 100.000 người có ảnh hưởng, tương đương khoảng 1,4%.
Trong danh sách các nhà khoa học xuất sắc này có nhiều nhà khoa học hiện đang nghiên cứu, giảng dạy tại các trường ĐH Việt Nam.
PGS-TS Trần Xuân Bách
PGS-TS Trần Xuân Bách, Trường ĐH Y Hà Nội (xếp hạng 28.129), chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng. PGS Bách từng là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh PGS năm 2016 khi mới 32 tuổi, và ông được vinh danh là gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2016.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội (51.083), là chuyên gia về Cơ học, vật liệu và kết cấu tiên tiến, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Cơ học của Việt Nam. GS Đức đã công bố hơn 250 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có hơn 136 bài trên các tạp chí quốc tế ISI. Ngoài ra, ông còn là tác giả của 1 bằng phát minh, 1 bằng sáng chế trong lĩnh vực vật liệu mới.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức
PGS TS Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện khoa học tính toán của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (74.339). Năm 2017, PGS Trung đã được Trường Đại học Tôn Đức Thắng tặng thưởng danh hiệu "Nhà khoa học đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học" và Giải thưởng Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement).
GS Nguyễn Thời Trung
TS Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH - một trong hai nhà khoa học được nhận giải chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
TS Trần Đình Phong
Trong danh sách này còn có khoảng 40 nhà khoa là các giáo sư gốc Việt đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, như GS Dang Chi V, ĐH Pennsylvania (Mỹ, xếp thứ 280); GS Đàm Thanh Sơn, ĐH Chicago (Mỹ, 2.648); GS Nguyen Nam-Trung của ĐH Griffith (Úc, 4.595); GS Vo Dinh Tuan, ĐH Duke, Mỹ, 15.709); GS Nguyễn Văn Tuấn, viện Garvan (Úc, 39.062); GS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah (Mỹ, 45.612); GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ, 69.063)…
Nghiên cứu "A standardized citation metrics author database annotated for scientific field" của John P. A. Ioannidis và cộng sự đã xây dựng cơ sở dữ liệu của 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào 6 chỉ số về trích dẫn: tổng số trích dẫn; chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất hoặc tác giả đầu tiên (first author) và số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất, đầu tiên hoặc cuối cùng (last author).
Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành). Ưu điểm lớn trong phương pháp xếp hạng của nhóm là loại bỏ các tự trích dẫn (việc một số ít các nhà khoa học tự trích dẫn ồ ạt làm cho số lượng trích dẫn trở lên thiếu đi sự ý nghĩa vốn có của nó).