Sắp xếp trường sư phạm để không gây "sốc"
- Details
- Đăng ngày 30/05/2019 Lượt xem: 11320
Giai đoạn 2021-2025, dự kiến dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng, đồng thời sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết
Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm (SP) và thành lập một số trường SP trọng điểm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chuẩn bị nội dung và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến 2025 còn dưới 10 trường sư phạm chủ chốt
Đề án này được xây dựng trên cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia "Quy hoạch mạng lưới trường SP ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030".
Theo dự thảo, mục tiêu của đề án là hình thành mạng lưới các trường SP với một số trường ĐHSP trọng điểm và chủ chốt. GS-TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên, chủ nhiệm đề án nói trên - cho hay mục tiêu mà đề tài đưa ra là đến năm 2025 hình thành mạng lưới các trường SP gồm dưới 10 trường SP chủ chốt. Đến năm 2030, hình thành một số trường SP trọng điểm theo hướng hình thành mô hình ĐH và tiếp tục phát triển các trường SP chủ chốt.
Các cơ sở đào tạo giáo viên khác được thiết kế chuyển thành "vệ tinh" của các trường SP trọng điểm và chủ chốt, trong đó giảm số lượng đầu mối trường SP không đạt chuẩn chất lượng để bảo đảm quy mô đào tạo của các cơ sở được xác định hợp lý, hiệu quả. Mối quan hệ giữa trường trọng điểm và vệ tinh cần được coi là điểm nhấn của đề án sắp xếp các trường SP để đạt mục tiêu chất lượng, hiệu quả và tránh lãng phí.
Sinh viên tìm cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm của Trường ĐH Sư phạm TP HCM
Ảnh: Hiếu Ngoãn
Theo ông Quang, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường SP sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Giai đoạn 2019-2020, ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường SP theo bộ chuẩn trường SP; tiến hành đánh giá, rà soát các trường SP để xác định các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu; công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.
Giai đoạn 2021-2025, dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng (theo bộ tiêu chuẩn đã đề xuất), đồng thời tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết. Hình thành các trường SP chủ chốt và các trường SP vệ tinh của các trường SP chủ chốt, giải thể các trường trung cấp SP và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh SP đối với các trường trung cấp còn lại.
Giai đoạn 2025-2030, hình thành các trường SP trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường SP chủ chốt và các trường SP vệ tinh; dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP đối với các trường CĐ đa ngành khác có chương trình đào tạo giáo viên.
Tôn trọng quy luật cung - cầu
Thời gian qua, nhiều trường SP mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa SP, các trường CĐ thì nâng lên thành ĐHSP nên đã khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu.
Tại buổi tọa đàm mới đây trong khuôn khổ đề tài này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh "quá trình sắp xếp các trường SP mà không tính đến "cầu" là thua". Theo ông Nhạ, cần phải tính 5 năm, 10 năm nữa quy mô giáo dục sẽ ra sao, cần bao nhiêu giáo viên để đáp ứng quy mô giáo dục đó, sau đó mới quay trở lại bài toán sắp xếp trường SP bằng những tiêu chí, tiêu chuẩn, nguyên tắc cụ thể. Đó là bài toán ngược từ cầu đến cung. Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng vấn đề sắp xếp các trường SP không phải mới nhưng sắp xếp thế nào cho hợp lý để không gây "sốc" là việc phải tính toán, đặc biệt chú ý đến nhu cầu.
Trước những lo lắng về việc trong quá trình sắp xếp, có thể sẽ có cơ sở đào tạo không đồng thuận với việc quy hoạch lại các trường, GS Phạm Hồng Quang cho rằng về nguyên tắc, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường SP phải dựa trên bộ chuẩn trường SP (5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí dựa vào chuẩn kiểm định chất lượng của bộ và tham khảo các chỉ số xếp hạng các trường ĐH trên thế giới của tổ chức QS Stars).
Ông Quang nhấn mạnh cần phải chặt chẽ giữa quá trình đào tạo SP với yêu cầu sử dụng lực lượng giáo viên của xã hội, chú ý yếu tố "vùng thị trường", sức hút, độ lan tỏa của trường SP trọng điểm và chủ chốt. "Quan điểm nghiên cứu cần tôn trọng quy luật cung - cầu về giáo viên trong tương lai" - ông Quang khẳng định.
Hiện có 114 cơ sở đào tạo giáo viên Theo dự thảo đề án, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó gồm 6 trường ĐHSP, 5 trường ĐHSP kỹ thuật, 2 trường ĐHSP thể dục thể thao và Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương; 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 30 trường CĐSP ở các địa phương; 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 trường trung cấp SP. |
Theo YẾN ANH/Báo Người Lao Động