Kỹ năng tranh luận
- Details
- Đăng ngày 13/05/2019 Lượt xem: 12857
Học tập và làm việc nhóm hoặc sinh hoạt trong môi trường tập thể rất dễ dẫn đến những tranh luận, thậm chí mâu thuẫn, cự cãi bởi quan điểm sống của mỗi người khác nhau. Nhiều bạn trẻ cho rằng, sự tranh luận là cần thiết trong học tập và công việc nhằm đi đến sự thống nhất, đạt kết quả tốt nhất. Môi trường làm việc nhóm vì vậy là bài học bổ ích để bạn trẻ rèn kỹ năng tranh luận, gắn kết tình bạn thêm bền chặt.
Khi bạn là người điều phối
Phạm Đỗ Ngọc Mỹ, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, Đội phó Đội cộng tác viên (CTV) Thành đoàn Cần Thơ, chia sẻ, quá trình làm CTV, cô đã cùng với 20 thành viên của Đội tích cực hỗ trợ Thành đoàn tổ chức các sự kiện chính trị, hoạt động, phong trào văn hóa-văn nghệ. Điển hình như mới đây, Đội đã tham gia hỗ trợ phục vụ cho Giải bóng chuyền bãi biển nữ châu Á năm 2019 diễn ra vào tháng 4 tại TP Cần Thơ, Ngọc Mỹ điều phối 2 nhóm tình nguyện viên nhằm hỗ trợ công tác hậu cần, như: Liên hệ xe phục vụ cho các đoàn vận động viên di chuyển, thông tin về lịch trình, hỗ trợ phiên dịch… Để hoạt động hiệu quả, từ trước đó, cả đội phải họp, bàn bạc để lên kế hoạch phục vụ sự kiện thành công tốt đẹp. Ngọc Mỹ tâm sự: “Không riêng sự kiện này, trong mỗi hoạt động, phong trào, quá trình thảo luận, cũng có nhiều ý kiến tranh luận giữa các thành viên. Đôi lúc, một số bạn cũng giận hờn hoặc mâu thuẫn vì quan điểm khác nhau, nhưng sau mỗi hoạt động thành công, các bạn lại cười xòa quên hết những giận hờn vu vơ”.
Các hoạt động nhóm, tập thể giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tranh luận, góp phần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong tương lai. Ảnh: TÚ ANH
Tuy nhiên, Mỹ cho rằng, để hạn chế những mâu thuẫn không đáng có, đồng thời tạo môi trường thoải mái cho các CTV chủ động phát biểu chính kiến, góp ý cho các hoạt động, phong trào thêm hiệu quả, cô đã đề xuất đổi mới việc điều phối cách họp. Cuộc họp Đội CTV Thành đoàn diễn ra vào tuần 3 hằng tháng và được quản lý Đội thông báo trước nội dung và thời gian họp ít nhất 1 tuần. Trong cuộc họp, mỗi thành viên đều được tạo cơ hội phát biểu xoay quanh về cuộc sống bản thân, những kinh nghiệm học hỏi được từ hoạt động trước. Nhờ vậy, Mỹ cũng dần hiểu được nguyện vọng, thế mạnh của từng thành viên để có cách điều phối, phân công công việc phù hợp. Mỹ bộc bạch: “Quá trình làm việc nhóm cũng giúp tôi rèn kỹ năng giao tiếp, biết cách điều phối công việc hợp lý, rèn kỹ năng tranh luận nói riêng, kỹ năng mềm nói chung để xử lý các tình huống trong cuộc sống và nghề nghiệp tương lai”.
Không riêng Mỹ, nhiều sinh viên cũng cho rằng, những giờ thuyết trình trên lớp, những buổi họp, sinh hoạt Đoàn-Hội, không khí thảo luận sôi nổi không chỉ giúp bạn trẻ dạn dĩ trước đám đông, mà còn rèn bạn trẻ xây dựng thói quen mạnh dạn thể hiện quan điểm của bản thân. Từ những hoạt động tập thể, sinh viên cũng nhận ra những ưu, khuyết điểm của mình để đề ra mục tiêu học tập, rèn luyện, trưởng thành hơn.
Đừng thể hiện cái tôi quá lớn
Theo anh Hà Minh Thông, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ, hiện nay sinh viên học theo hệ thống tín chỉ, vì vậy, việc thảo luận, làm việc nhóm để thuyết trình trước lớp khá phổ biến. Quá trình học hay thảo luận, tranh luận là điều bình thường, nhưng nếu thiếu kỹ năng kiểm soát thì một cuộc tranh luận sẽ không bao giờ có kết quả nếu các bên đều muốn giữ quan điểm của mình. Một số bạn trẻ lại quá đề cao vai trò, cái tôi cá nhân quá lớn. Để dung hòa các quan điểm, đòi hỏi mỗi bạn trẻ phải bình tĩnh, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đồng thời phải có văn hóa tranh luận theo hướng tất cả vì mục tiêu chung.
Để giữ được bình tĩnh, đòi hỏi bạn trẻ phải có sự luyện tập và phải kiên nhẫn; việc tranh luận cũng cần có kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tránh để cái tôi lấn át, gây mất đoàn kết với đồng nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Anh Lê Trọng Hi (ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều), quản lý khối bán hàng một cửa hàng điện máy, chia sẻ: “Một số cuộc thảo luận khối bán hàng đôi lúc cũng xảy ra tranh cãi gay gắt, gây tâm lý nặng nề khiến đồng nghiệp nghi kỵ lẫn nhau. Từ đó, ít giao tiếp, không chủ động bàn bạc, thảo luận kế hoạch phát triển thị trường, ảnh hưởng không tốt đến công việc”. Vì vậy, trong các cuộc họp bàn công việc, khi có tranh cãi căng thẳng, anh sẽ tìm cách thay đổi chủ đề và bắt đầu lại khi mọi người dần bình tĩnh. Anh Trọng Hi khuyên, các bạn trẻ không nên giữ định kiến của bản thân vì mặt trái của nó sẽ dẫn đến việc chúng ta đánh giá quá cao vai trò cá nhân của mình. Khi thể hiện cái tôi, định kiến quá lớn sẽ khiến đồng nghiệp dần sống khép kín, không muốn chia sẻ ý kiến đóng góp nữa, dẫn đến hiệu quả công việc không được như mong muốn.
Nhằm tạo môi trường giúp các bạn trẻ rèn kỹ năng mềm nói chung, kỹ năng tranh luận nói chung, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn- Hội cũng đã thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm giúp các bạn xây dựng thói quen làm việc nhóm. Nhiều diễn đàn, tọa đàm về những vấn đề giới trẻ quan tâm, giao lưu với lãnh đạo, doanh nhân cũng là điều kiện để người trẻ thể hiện quan điểm sống, qua đó giúp bạn trẻ tự tin giao tiếp, rèn kỹ năng và xây dựng văn hóa tranh luận…
Theo TÚ ANH/Báo điện tử Cần Thơ