“Bài toán” khó về phân luồng học sinh
- Details
- Đăng ngày 16/01/2019 Lượt xem: 11988
Thực hiện phân luồng học sinh (HS) góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có tay nghề. Tuy nhiên, công tác phân luồng chưa đạt hiệu quả như mong muốn và còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Học sinh chưa “mặn mà” học nghề
Thực hiện phân luồng HS, ngành Giáo dục và Đào tạo đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 giảm dần qua từng năm học, trong đó, năm học 2018-2019, ngành lấy 79% HS vào lớp 10 trên tổng số HS tốt nghiệp THCS. Những HS không đậu vào lớp 10 có thể chọn học giáo dục thường xuyên (GDTX), học nghề. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, HS tốt nghiệp THCS chọn học trung cấp nghề ngay được miễn 100% học phí; hưởng chính sách liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học; có thể lựa chọn học tiếp văn hóa hoặc không;...
Học nghề sau tốt nghiệp THCS là con đường mà Võ Gia Huấn, ngụ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lựa chọn. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, ngành Hàn tại Trường Cao đẳng Nghề Long An, Huấn tìm được việc làm vận hành máy tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc). Huấn chia sẻ: “Đi làm được hơn 1 năm, hiện lương của tôi khoảng 11-12 triệu đồng/tháng. Có thể nói, học nghề sau khi tốt nghiệp THCS là lựa chọn đúng, bởi các công ty, xí nghiệp rất cần công nhân có tay nghề”.
Các trường đang đẩy mạnh việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm
tạo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp
Định hướng HS chọn học nghề chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phân luồng HS nhằm tạo cơ hội cho HS có học lực yếu có hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều HS vẫn chưa “mặn mà” với học nghề. Như trường hợp của em Kim Anh, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, sau khi tốt nghiệp THCS, Kim Anh nghỉ học, không tham gia lao động và vừa đính hôn ở độ tuổi 17, còn khá trẻ và chưa có nghề nghiệp ổn định. Một trường hợp khác, em Nguyễn Hữu Nghĩa, ngụ ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, cũng không chọn học nghề. Tốt nghiệp THCS, Nghĩa nghỉ học ở nhà, tìm việc làm. Em mất một năm để tìm được công việc phù hợp. Hiện Nghĩa tham gia Câu lạc bộ Lân sư rồng tại xã Nhị Thành và làm điện cho các công trình nhà ở với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, công nhân có tay nghề là nhu cầu rất lớn của thị trường lao động; vị trí việc làm, thu nhập của công nhân có tay nghề cũng khá ổn định; HS, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề có việc làm đúng chuyên ngành trên 90%. Thế nhưng, nhiều HS vẫn không muốn học nghề dù không đậu vào lớp 10. Đó thật sự là “bài toán” khó trong thực hiện công tác phân luồng HS. Chưa kể đến, sau khi tốt nghiệp THCS, không tham gia lao động cũng không tiếp tục học tập, một số em dễ trở nên lêu lổng, sa vào tệ nạn.
Lỗi tại ai?
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ HS chọn học nghề thấp. Cụ thể, năm học 2017-2018, HS tốt nghiệp THCS chọn học nghề chỉ đạt 8,47%, trong khi có đến 21% HS không đậu vào lớp 10 kể cả hệ GDTX. Ông Trần Văn Đúng, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, quyết định cho con gái ở nhà phụ giúp gia đình thay vì học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Theo ông Đúng, việc học nghề chỉ tốn kém và không mang lại lợi ích gì. Ông dự định sau khi lập gia đình, các con ông sẽ tự lập nghiệp được. Ông nói: “Có vợ, có chồng thì tụi nó đi làm công nhân, làm nông cũng sống được. Học nghề rồi sau này cũng làm công nhân chứ hơn gì đâu!”.
Trong khi đó, thực tế, việc học nghề sau tốt nghiệp THCS mang lại khá nhiều lợi ích. Tuy vậy, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường THCS, trường THPT trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho HS chưa thật sự chặt chẽ. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông hiệu quả chưa cao nên một bộ phận HS sau tốt nghiệp THPT, THCS không định hướng được nghề nghiệp. Thầy Lương Văn Ân - giáo viên hướng nghiệp Trường THCS thị trấn Thủ Thừa, cho rằng, muốn phân luồng hiệu quả thì trước hết cần giải tỏa tâm lý e ngại của phụ huynh và HS bằng hoạt động hướng nghiệp và chính các trường cần chủ động làm tốt điều đó.
Nhưng hiện nay, tại nhiều trường, bộ môn Hướng nghiệp chưa có giáo viên chuyên phụ trách. Với tần suất mỗi tháng 1 tiết học, chỉ dành cho HS lớp 9 phải chăng là chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”? Mỗi năm, các trường nghề có phối hợp trường phổ thông tổ chức tư vấn, tuyển sinh, tuy nhiên, số lượng còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả thực sự chưa cao. Từ đó, HS không “mặn mà” với tiết Hướng nghiệp cũng như việc học nghề sau tốt nghiệp THCS. Để khẳng định điều đó, thầy Ân cho biết: “Trong gần 5 năm giảng dạy môn Hướng nghiệp, tôi rất ít nhận được tương tác từ phía HS. Chỉ có một vài em quan tâm đặt câu hỏi và chủ yếu các em thích hướng tới những nghề thiên về lĩnh vực nghệ thuật với nhiều ánh hào quang như ca sĩ, diễn viên, người mẫu,...”.
Nếu gia đình chưa thay đổi được quan niệm, trường phổ thông và trường nghề chưa làm tốt công tác hướng nghiệp, định hướng cho HS thì việc các em sau tốt nghiệp THCS không biết lựa chọn hướng đi nào cho tương lai là điều dễ hiểu. Từ đó, tỷ lệ HS không tiếp tục theo học sau tốt nghiệp THCS (kể cả học THPT, GDTX và học nghề) vẫn cứ ở mức cao và mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau tốt nghiệp THCS học nghề rất khó khả thi.
Các trường nghề từng bước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nâng cao chất lượng đào tạo
(Trong ảnh:Trang thiết bị của lớp thực hành vừa được Trường Cao đẳng Nghề Long An trang bị mới)
Để không còn “trọng thầy hơn thợ”
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Võ Thành Trí cho biết, sở có một số giải pháp cụ thể nhằm thu hút HS sau tốt nghiệp THPT, THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và góp phần thúc đẩy việc phân luồng đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trước hết là đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp. Ông Trí cho rằng, người dân cần nắm rõ nhu cầu của thị trường lao động để đăng ký tham gia học nghề, góp phần thực hiện mục tiêu phân luồng trong đào tạo và bảo đảm cung - cầu của thị trường lao động. Sở có chủ trương tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường cũng cần chuyển đào tạo từ hướng “cung” sang hướng “cầu” của thị trường lao động, đẩy mạnh việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có những định hướng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phân luồng HS. Theo đó, ngành đã và đang nỗ lực thay đổi nhận thức “trọng thầy hơn thợ” của đại bộ phận phụ huynh HS. Những HS có học lực yếu được trường định hướng chọn học nghề, tránh tình trạng cố gắng học dẫn đến bỏ học giữa chừng vì sức học hạn chế.
Nhằm giúp HS lựa chọn đúng hướng sau khi tốt nghiệp, trường cần chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp cho HS, tuyên truyền để phụ huynh HS am hiểu về mục đích của việc phân luồng nhằm tạo điều kiện học tập phù hợp. Ngành chủ trương, trường THCS tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho HS lớp 9 thông qua các hoạt động dạy, học các môn văn hóa, môn Công nghệ, nghề phổ thông, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp, các hoạt động ngoại khóa,... Ngoài ra, thời gian tới, các trường THCS cần tăng cường liên hệ phụ huynh HS nhằm trao đổi, định hướng HS đăng ký học nghề và tổ chức cho HS lớp 9, THPT những buổi hội thảo, hoạt động tư vấn, hoạt động giới thiệu và tuyên truyền nghề,... Từ đó, giúp HS hiểu rõ về khả năng của bản thân và điều kiện gia đình trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc phân luồng HS vẫn còn nhiều hạn chế. Để thay đổi thực trạng trên, quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của phụ huynh và HS. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đặc biệt là giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội./.
Ngọc Thạch - Hoàng Thúy