Giáo dục đại học: Chuyển biến sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29
- Details
- Đăng ngày 30/10/2018 Lượt xem: 9677
(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng nếu tiếp tục đổi mới, thể chế hóa đường lối và quan tâm, hỗ trợ những trường đại học có kết quả tốt thì sắp tới sẽ có nhiều trường đại học nữa góp mặt vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc - Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Đó là nhận định của của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tự chủ đại học: Xu thế tất yếu” do Báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức ngày 25/10.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29, trong đó đặt ra mục tiêu: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Sau 5 năm thực hiện, bước đầu tạo ra những chuyển biến đối với giáo dục đại học.
Nghị quyết số 29 được ban hành vào năm 2013; đến năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 thí điểm đổi mới đối với các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt thí điểm 23 trường thực hiện tự chủ.
Đây là đợt thí điểm lớn nhất từ trước đến nay, tự chủ trên 3 phương diện mới là: Chuyên môn học thuật, tổ chức nhân sự bộ máy và tự chủ về tài chính. Sau 5 năm, kết quả thí điểm của 23 cơ sở đại học được Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là tích cực, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học.
Những nội dung sửa đổi đó đã được đưa vào dự thảo Luật. Quốc hội đã có ý kiến và dự kiến cuối năm 2018 sẽ thông qua để thể chế hóa chính thức những chủ trương, chính sách đã thực hiện trong những năm qua. Chúng ta phải thể chế hóa vì thời gian thí điểm 2014-2017 đã hết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, Nghị quyết 29 nhấn mạnh việc xây dựng một số trường ĐH, các ngành học mang tầm quốc tế. Các cơ sở giáo dục ĐH trong những năm qua đã ý thức được việc xây dựng uy tín, chất lượng, hội nhập với thế giới. Với nỗ lực của các trường, đến nay theo số liệu mới nhất có 7 trường nằm trong tốp 500 trường châu Á và 2 đại học lọt tốp 1.000 của thế giới. So với các trường lớn trên thế giới, quy mô ngân sách, đầu tư của chúng ta còn khiêm tốn nhưng bước đầu những đổii mới đã đúng hướng.
Ngoài hội nhập và kiểm định, các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế. Có một thời gian dài, nguồn thu của các trường dựa nhiều vào học phí; việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế chưa được quan tâm, trong khi đó, các trường muốn được xếp hạng quốc tế phải có yếu tố nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các trường đã được quan tâm đầu tư và tạo cơ chế thích hợp để thúc đẩy những nghiên cứu khoa học. Hai năm trở lại đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước cộng lại. Điều đó dẫn đến thứ hạng của các trường đại học của chúng ta tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Nghị quyết 29 cũng nhấn mạnh đến phát huy về phẩm chất, năng lực của người học. Trong các quy chế các trường bắt đầu tham khảo các chương trình đào tạo của nước ngoài, ý kiến của doanh nghiệp, nhu cầu xã hội để đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy phù hợp.
Quan sát ở các trường đại học, các thầy cô giáo đã đổi mới phương pháp, phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên. Khá nhiều trường các em sau khi tốt nghiệp hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao xã hội.
Thứ trưởng Phúc nhận định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta hoàn toàn có niềm tin nếu tiếp tục đổi mới, thể chế hóa đường lối và quan tâm, hỗ trợ những trường đại học có kết quả tốt, sắp tới sẽ có nhiều trường đại học góp mặt vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Đáp ứng yêu cầu tốt hơn về giáo dục đại học
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết thêm, có thể thấy, thành tựu lớn nhất sau 5 năm qua là đã đáp ứng yêu cầu tốt hơn về giáo dục ĐH, cả về số lượng và chất lượng.
Biểu hiện ở những điểm chủ yếu, đó là: Tiếp cận giáo dục ĐH của người dân được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và việc làm tốt hơn. Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế, rất đáng ghi nhận. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức mới thời gian qua cũng đã được thực hiện tốt.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được là đổi mới giáo dục ĐH triển khai hiệu quả, quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 29. Giáo dục ĐH có sự thay đổi đặc biệt, quan tâm tới cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện mới, đặc biệt nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ của các cơ sở, nhất là công tác kiểm định được chú trọng quan tâm. Các cơ sở phải nhận thức được kiểm định như là một đợt khám bệnh để nâng cao chất lượng tổng thể.
Ông Tuấn cũng khẳng định rằng, một điều không thể phủ nhận là tự chủ ĐH, điều này đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường ĐH nâng cao chất lượng của mình, đồng thời, hướng tới cung cấp một thị trường lao động với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn GS.TS Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long cho rằng, 5 năm qua là bước tiến của nhiều năm trước. Chúng ta làm việc trong khuôn khổ của pháp luật, với chủ trương mở cửa và điều này cũng xuất phát từ chính nhu cầu tự mở cửa.
Ví dụ như trường ĐH Thăng Long, đã mời các giảng viên quốc tế để đào tạo tiếng Anh; từ đó, dần dần các giảng viên trong nước cũng từng bước nâng cao trình độ tiếng Anh của mình.
“Trong đào tạo ĐH, chúng tôi quan niệm không có nghiên cứu không giảng dạy được. Do đó, cũng cần tập trung cho công tác này và thí điểm tự chủ ĐH đã đề cập nhiều tới nội dung này. Cá nhân tôi 83 tuổi nhưng năm 2017 cũng đã xuất bản hai sách về kinh tế quốc tế (1000 trang) và công tác xã hội trong bệnh viện (1000 trang), nếu không cập nhật thì sẽ khó để giảng dạy tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học, nhất là các trường tư”, ông Dũng cho hay.
Nhiều đổi mới quan trọng từ Nghị quyết 29
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, sau khi Nghị quyết ban hành thì Chính phủ đã có chương trình hành động để triển khai; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chương trình hành động, thực hiện đầy đủ theo 9 giải pháp trong Nghị quyết đã nêu.
Trước tiên là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tư tưởng của Nghị quyết rất đột phá, rất đổi mới, tuy nhiên chúng ta phải thể chế hóa vào trong thực tiễn. Về phía Bộ, đã ban hành các thông tư, quy định để các trường thực hiện. Ví dụ như: Tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, những quy định về liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ… Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ chủ động để thay đổi, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Bộ cũng tham mưu để Chính phủ ban hành những văn bản, những quy định.
Ông Phúc nhấn mạnh, Nghị quyết 29 có một nội dung quan trọng là đổi mới cơ chế tài chính. Đổi mới tài chính trong những năm qua tạo ra những thay đổi quan trọng. Từ các nghị định, quyết định của Bộ, của Chính phủ đã có những thay đổi trong cơ chế tài chính và chính cơ chế tài chính thay đổi tạo những đổi mới về cơ chế tài chính tại các trường, tạo động lực bên trong cho các trường ĐH.
Trong Nghị quyết 29 cũng nhấn mạnh đến những thay đổi trong đội ngũ. Ông Phúc cho biết, trong những năm qua, cả trong nước và đào tạo ở nước ngoài thì Bộ đều đẩy mạnh công tác này. Có thể nói là quá trình đổi mới hiện nay đã được khẳng định bằng việc chúng ta được xếp hạng thế giới. Việc các trường đại học của chúng ta được xếp hạng, công bố quốc tế tăng hơn rất nhiều là do đội ngũ được đào tạo bài bản, trong đó có nhiều đội ngũ được đào tạo từ nước ngoài. Chính đội ngũ đó hiện nay đóng vai trò rất nòng cốt trong các trường đại học, từ đào tạo nội dung đến đào tạo về nghiên cứu khoa học.
Trong 2 năm vừa rồi, số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế đã tăng gấn 2 lần, tức là bằng tổng 5 năm trước đó cộng lại. Như vậy, nghiên cứu khoa học trong những năm qua đã có những khởi sắc.
Trong Nghị quyết 29 nhấn mạnh là hội nhập quốc tế. Đối với việc này, ông Phúc khẳng định, các trường đại học rất chủ động đổi mới chương trình đào tạo, chương trình hợp tác nước ngoài, phát triển chương trình chất lượng cao... Đây là những vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng thể chế hóa bằng chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học.
Theo Vũ Phong