Cần có sự thống nhất về sách giáo khoa
- Details
- Đăng ngày 13/09/2018 Lượt xem: 10206
(Chinhphu.vn) – Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào sáng 12/9.
UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) có bố cục gồm 10 chương với 119 điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.
Dự luật nêu lên mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối một số nội dung khác.
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng đã được nêu trong các Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW (khóa XI), Nghị quyết Trung ương số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa XII); cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác; bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Cụ thể, nâng Mục 2 quy định đầu tư cho giáo dục tại Chương VII thành Chương đầu tư và tài chính trong giáo dục (Chương VII); cấu trúc lại Chương II hệ thống giáo dục quốc dân thành 2 mục, Mục 1 về các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó có 4 tiểu mục (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học) và Mục 2 về giáo dục thường xuyên; bổ sung tiểu mục về giáo dục nghề nghiệp vào Mục 1 các cấp học và trình độ đào tạo của Chương II để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống giáo dục quốc dân; bổ sung 1 mục quy định vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của nhà giáo vào Chương IV Nhà giáo; bổ sung 2 điều (quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên) vào Tiểu mục 1 giáo dục mầm non và Mục 2 giáo dục thường xuyên của Chương II; ngoài ra dự thảo Luật đã bố cục lại một số mục và chuyển một số điều để thống nhất, logic với nội dung của Luật.
Đáng chú ý là dự luật đã bổ sung 2 chính sách mới đó là: Chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng). Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Ban soạn thảo đã nghiên cứu chính sách học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của 18 nước, trong đó: có 4/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông; 6/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục mầm non; 18/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục tiểu học; 11/18 nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục trung học cơ sở; 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục trung học phổ thông.
Ngoài kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn, giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách này, hằng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ để thực hiện chính sách này là: 4.730 tỷ đồng. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Trên cơ sở đánh giá tác động chính sách và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí như đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng; bảo đảm quyền bình đẳng trong giáo dục của người học thuộc diện phổ cập tại trường công lập và ngoài công lập; thể hiện tinh thần Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn khi cho con thuộc diện phổ cập đến trường.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định như sau: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định.
Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.
Trẻ em mầm non 5 tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.
Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục” (khoản 1 Điều 95).
Đối tượng, phạm vi sửa đổi, bố cục của dự án Luật; những chính mới được bổ sung vào dự Luật lần này; tài chính cho giáo dục; chính sách phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc ít người; vấn đề về sách giáo khoa; đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; chính sách đối với giáo viên và phát triển giáo dục;... là những nội dung lớn được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận tại phiên họp.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình bày tỏ sự tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời khẳng định, dự luật đã bảo đảm yêu cầu sửa đổi toàn diện, có sự kế thừa luật hiện hành.
Về chính sách không thu học phí đối đối với người học ở một số cấp học trong dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phổ cập và xã hội hóa giáo dục; thúc đẩy và khuyến khích các loại trường dân lập, tư thục phát triển, đồng thời tạo sự công bằng, bình đẳng giữa trường công lập và trường dân lập.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần có quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu về thời điểm và điều kiện triển khai thực hiện chính sách học phí đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục hiện nay.
“Tôi đề nghị cần hết sức cân nhắc về lộ trình và khả năng tài chính; cần phải có phân tầng, chỉ nên hướng tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không nên làm đại trà”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ.
Dẫn chiếu những số liệu thống kê về doanh thu rất lớn của Nhà xuất bản giáo dục và số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra để mua sách giáo khoa hằng năm lên tới trên 1.000 tỷ đồng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc sử dụng sách giáo khoa một lần là rất lãng phí, đây là vấn đề xã hội rất bức xúc; cử tri nói rất gay gắt... Vì vậy, cần phải có những quy định cụ thể hơn trong dự luật liên quan đến vấn đề về sách giáo khoa, tránh sự tốn kém, lãng phí cho người dân, xã hội.
Cũng về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: “Trước đây một bộ sách có thể sử dụng được cả chục năm, anh học xong để lại cho em học... bây giờ sử dụng một lần thì thật quá tốn kém tiền của cho xã hội, cần phải xem xét, nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này”.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với sách giáo khoa, cần phải có quy định thống nhất trong cả nước, không thể có chuyện sách giáo khoa tự chọn.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng nếu có thể lựa chọn được sách giáo khoa thì đây là việc làm rất cục bộ, không toàn diện, thậm chí phát sinh tiêu cực. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần nghiên cứu giảm tải các môn học trong giáo dục phổ thông, nhất là những môn học mang tính hàn lâm.
Theo Nguyễn Hoàng