Tìm cách bít lỗ hổng kỳ thi THPT quốc gia
- Details
- Đăng ngày 03/08/2018 Lượt xem: 8866
Tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng phải khắc phục những kẽ hở trong chấm thi, đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận, thay đổi điểm số của thí sinh
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 là chủ đề nóng nhất tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra ngày 2-8, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phần mềm bị lợi dụng
Tại hội nghị, đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đề thi chưa thật sự phù hợp. Trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao nhằm mục đích phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng điều này làm cho đề thi năm nay khó hơn đề thi các năm trước.
Vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia... Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi. Dù vậy, còn có những kẽ hở trong bảo mật dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Ông thừa nhận trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.
Từ những sự cố gian lận điểm thi vừa qua ở Hà Giang, Sơn La…, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội. Cụ thể hơn, sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm; tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh - kiểm tra của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi.
Rút kinh nghiệm, sao nữa?
Phát biểu tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều cho rằng nên giữ kỳ thi THPT quốc gia nhưng phải khắc phục những kẽ hở trong chấm thi, đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận, thay đổi điểm số của thí sinh.
Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chia sẻ điểm đầu vào trường ĐH rất quan trọng, vì thế để bảo đảm nguồn tuyển sinh đầu vào cho các trường, Bộ GD-ĐT cần làm tốt hơn về khâu ra đề thi. Theo ông Đạt, đề thi cần bảo đảm có sự phân hóa trình độ của thí sinh để các trường dựa vào đó chọn lọc thí sinh. Bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm về phổ điểm để ra đề thi, tránh năm nay khó, năm sau dễ rồi lại thay đổi. Ngoài ra, khâu coi thi không thể không có vai trò của các trường ĐH. Công tác chấm thi cần tổ chức chấm chéo, có sự cải tiến về công nghệ thông tin nhằm bảo đảm an toàn, nghiêm túc và chống gian lận.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, góp ý cần bổ sung, nghiên cứu những thiếu sót, kẽ hở để tổ chức thi tốt hơn. Đại diện Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần có biện pháp khắc phục những bất cập trong kỳ thi 2018 theo đúng yêu cầu để lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh vi phạm trong kỳ thi quốc gia năm 2018 là sự cố ý, lợi dụng sơ hở pháp luật của một số người, là những lỗ hổng trong việc tổ chức thi ở những vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải sớm rút kinh nghiệm, có phương án đấu tranh phòng ngừa nhưng không nên có phương án thay đổi quá lớn.
Minh bạch để tạo sự đồng thuận Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu những giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề "nóng" mà các đại biểu đưa ra tại hội nghị, như: tinh giản biên chế; chất lượng chuyên môn và đạo đức đội ngũ giáo viên; quy hoạch trường, lớp… Phó Thủ tướng khẳng định nghị quyết về tinh giản biên chế đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên; thay vào đó chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp và theo tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy. Việc sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, bảo đảm sĩ số; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ trong giáo dục, quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch hết mới tạo sự đồng thuận. "Giáo dục không chỉ có thầy cô mà phải có gia đình, xã hội. Khi đồng thuận thì giáo dục mới tổng hợp được những sức mạnh ấy, đẩy đổi mới lên" - Phó Thủ tướng đúc kết. |
Điều tra điểm thi bất thường ở Hòa Bình Chiều 2-8, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, xác nhận có dấu hiệu bất thường khi rà soát các khâu coi thi, chấm thi trắc nghiệm của THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. Theo ông Lương, trong quá trình rà soát kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tổ kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề cần báo cáo với trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ GD-ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình để xác minh. "Chúng tôi nhận thấy có sự thiếu logic khi chấm trắc nghiệm cần phải báo cáo, cụ thể là thời gian chấm trên máy tính không hợp logic" - ông Lương nói. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình thông tin thêm hiện vẫn đang chờ Công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an điều tra, làm rõ. Cũng theo ông Nguyễn Đức Lương, tổ chấm trắc nghiệm gồm 5 người đã được công an mời lên làm việc, trong đó có ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, phó trưởng ban chấm thi kiêm tổ trưởng tổ chấm trắc nghiệm; ông Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Năm nay, Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thi môn toán và có tới 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm tỉ lệ 0,3%, cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước là 0,06%, Hà Nội là 0,1% và TP HCM 0,04%. Bên cạnh đó, số lượng điểm 9 trở lên ở môn toán của thí sinh tỉnh Hòa Bình tương đương với số điểm 9 trở lên của TP HCM và cao gấp 2,3 lần số điểm 9 trở lên của Nam Định. Trong khi đó, số thí sinh tham dự môn toán của TP HCM cao gấp 11 lần so với Hòa Bình... Y.ANH |
Theo YẾN ANH