2 năm nữa Việt Nam có thể dự báo được giông lốc, mưa đá
- Details
- Đăng ngày 01/03/2018 Lượt xem: 7812
(Chinhphu.vn) - Với các hệ thống quan trắc tự động và radar đang được đầu tư từ nay cho đến năm 2020, các cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam sẽ dự báo được giông lốc, vòi rồng và mưa đá.
Ảnh minh họa
Tại tọa đàm “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững”, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, theo định nghĩa nêu trong Luật Phòng chống thiên tai, Việt Nam hiện có 21 loại hình thiên tai khác nhau. Nhưng đến nay, các loại hình thiên tai như giông lốc, vòi rồng và mưa đá vẫn chưa thể dự báo sớm được.
Hiện tại, các dự báo sớm mới chỉ giúp cảnh báo được trước khi các hiện tượng trên xảy ra từ 15-30 phút. Vì thế, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đang đầu tư thêm các mô hình tổ hợp công nghệ cao hơn, gồm các radar, trạm quan trắc tự động.
Theo dự kiến, khi tổ hợp công nghệ này đi vào vận hành, đến năm 2020, Việt Nam có thể dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá để cảnh báo sớm cho người dân phòng tránh, giảm thiểu được thiệt hại do các loại hình thiên tai cực đoan gây ra.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) cho biết, do ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết của Việt Nam đang ngày trở nên khắc nghiệt hơn, đặc biệt là nhiệt độ cao, tăng khô hạn và mưa lớn diện rộng gây sạt lở, lũ quét. Bên cạnh đó, BĐKH cũng đang làm tăng cả về số lượng, cường độ và tính chất cực đoan của các cơn bão trên toàn cầu.
Trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra ngày càng khó lường như hiện nay, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan như gia tăng hạn hán, tăng tần suất cơn bão mạnh, thậm chí những cơn siêu bão cũng có thể sẽ xảy ra.
Điều đó đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn phải đầu tư hơn nữa về công nghệ quan trắc, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khẳng định việc đầu tư công nghệ cũng như nâng cao chất lượng dự báo là cấp thiết, song GS. Trần Thục cũng kiến nghị, ngành khí tượng cần chú trọng cải thiện công tác truyền thông, làm sao đưa thông tin đến người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn.
Về chất lượng dự báo, ông Thái cho biết, chất lượng dự báo của Việt Nam hiện nay đã từng bước nâng lên và dần tiệm cận với các nước phát triển.
Hiện tại, ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới radar, cảnh báo giông sét, tăng dầy mạng lưới quan trắc và tỉ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp giúp dự báo tốt hơn.
Tuy nhiên, mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20-30% so với các nước phát triển. Trong đó, hệ thống tự động đo gió, dòng chảy cao nhất cũng chỉ bằng khoảng 40% so với các nước trong khu vực.
Theo chinhphu.vn