Giao ban khối GD&ĐT: Phải rõ từng việc và làm đến cùng


       (Chinhphu.vn) – Sáng 25/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị giao ban quý đầu tiên với khối ngành giáo dục, đào tạo (GD&ĐT) nhằm xác định những việc cần tập trung triển khai trong năm 2018, nhất là trong quý I/2018.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "nhắc nhở" ngành giáo dục phải coi trọng hơn nữa, thực hiện nghiêm túc công tác dạy người, giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐBT&XH, đại diện một số Uỷ ban của Quốc hội, ban Đảng, các hiệp hội, chuyên gia giáo dục… Với tinh thần “từng việc, từng bậc học để chỉ đạo cụ thể, làm đến cùng”, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề đang đặt ra, phân tích và tham gia đóng góp ý kiến.

Đó là tình trạng thừa thiếu giáo viên, trường lớp, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sắp xếp các trung tâm, cơ sở giáo dục dạy nghề, bỏ bộ chủ quản đối với các trường đại học tự chủ, sửa đổi tiêu chí thi đua... Xem xét việc phát triển trường chuyên, lớp chọn gắn với xã hội hoá giáo dục. Tình trạng hoạt động của các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên còn lộn xộn, hình thức, lãng phí. Yêu cầu bỏ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ…

Phó Thủ tướng "nhắc nhở" ngành giáo dục phải coi trọng hơn nữa, thực hiện nghiêm túc công tác dạy người, giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh. Từ các khẩu hiệu dạy và học, thái độ lễ phép với người lớn đến hát quốc ca khi chào cờ, tập thể dục giữa giờ, tham gia lao động, xây dựng môi trường học tập lành mạnh.

Về chất lượng xây dựng văn bản, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 72 văn bản thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhiều văn bản đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ ngành, đặc biệt là những ý kiến đóng góp của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học.

“Tuy nhiên, có thực tế đặt ra là sau khi rà soát, nhiều văn bản của ngành chưa có ‘tầm nhìn’ phổ quát, chưa thực sự bám sát thực tế, chất lượng chưa cao. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Bộ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan, thống nhất nhận thức trong toàn ngành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Đối với bậc học mầm non, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhìn nhận các vụ bạo hành trẻ em tại những điểm trông trẻ tư thục trong khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy, Bộ chưa có khảo sát căn cơ, toàn diện về nhu cầu gửi trẻ để phát triển mạng lưới trường lớp, giáo viên mầm non…

“Chúng ta phải có các quy định sát thực tế nhằm tăng cường xã hội hoá, phát triển các nhà trẻ, điểm trông trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Không thể để tình trạng các nhóm trẻ tư thục không có giáo viên được đào tạo, dù trong thời gian ngắn”, GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi… ở bậc phổ thông song ngành giáo dục cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm xử lý bệnh thành tích, tình trạng dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương.

“Trong năm 2018, ngành giáo dục quyết tâm giảm bệnh thành tích. Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có việc nhiều văn bản, quy định không còn phù hợp, do đó cần phải rà soát, loại bỏ những tiêu chí thi đua không cần thiết”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Một trong những vấn đề nóng được nêu lên tại cuộc họp là vấn đề giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc giảm tải không phải là cắt bỏ một cách cơ học mà là bỏ đi những kiến thức kinh viện, không thiết thực đối với học sinh; tổ chức lại nội dung dạy học; đổi mới phương pháp; cải cách thi cử.

Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo các chương trình môn học. Chỉ đạo các địa phương rà soát các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học theo chương trình, sách giáo khoa giáo mới; quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị trường học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.

Bộ GD&ĐT tiến hành các bước quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quan điểm là đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu địa phương. Chuẩn bị sửa đổi, bổ sung các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng định lượng, bỏ các tiêu chí định tính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT nắm rõ số liệu thống kê về giáo viên đến từng trường, từng môn học chứ “không thể nói chung chung”, “khoán” cho địa phương.

Về giáo dục đại học, mô hình thí điểm tự chủ được đánh giá đạt kết quả tốt, tạo sự lan toả làm cho toàn hệ thống giáo dục đại học theo hướng nâng cao tự chủ và đảm bảo chất lượng. Hoạt động kiểm định chất lượng đã đi vào nề nếp và các trường đại học, cao đẳng đã chủ động hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá số lượng cơ sở đào tạo được tự chủ toàn diện chưa cao. Sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm 2018, Bộ sẽ đẩy nhanh sắp xếp các trường sư phạm và đại học trực thuộc theo hướng tự chủ, bỏ cơ quan chủ quản. Tăng cường công tác kiểm định để hình thành “văn hoá chất lượng”, gắn tuyển sinh với nhu cầu sử dụng, siết chất lượng đầu ra.

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ LĐTB&XH để rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề, giáo dục thường xuyên theo hướng liên thông với các bậc cao đẳng, đại học, gắn với giáo dục suốt đời; sáp nhập các trung tâm này thành cơ sở, phân hiệu của những trường đại học lớn.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Hội nghị đã thống nhất một số nội dung, nhiệm vụ mà các bộ, ngành thuộc khối giáo dục, đào tạo cần thực hiện ngay trong quý I/2018.

Về bậc học mầm non, Bộ GD&ĐT ra ngay văn bản tháo gỡ ngay lập tức vướng mắc của các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ tư thục, điểm giữ trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng miền núi về thủ tục, tiêu chí thành lập trường lớp, tiêu chuẩn giáo viên…

Thứ hai là tập trung hoàn thiện, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp về chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm yêu cầu giảm tải, chuẩn bị cho công tác biên soạn sách giáo khoa vào đầu quý II theo đúng kế hoạch.

Bộ GD&ĐT tăng cường quản lý, nắm chắc tình hình giáo dục phổ thông tại địa phương, “không khoán trắng”. Hoàn thiện hệ thống số liệu, thống kê về tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng môn, từng địa bàn phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT, trước mắt là việc lập kế hoạch đào tạo mới, tập huấn, bồi dưỡng lại giáo viên theo chương trình mới từ quý II.

Rà soát, cụ thể hoá các tiêu chí thi đua của các trường theo tinh thần mới, khắc phục bệnh thành tích và phấn đấu ban hành trong quý II, chuẩn bị triển khai trong năm học mới 2018-2019.

Đặc biệt chú ý công tác dạy người, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhất là bậc tiểu học, THCS, gắn với phát huy mạnh mẽ vai trò của công tác Đoàn, Đội.

Trong quý I/2018, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế hoạt động dạy nghề; thống nhất định hướng quy hoạch mạng lưới đại học, cao đẳng, trường nghề theo hướng tăng cường liên thông, liên kết, hợp tác.

Bộ GD&ĐT xem xét, chỉ đạo thực hiện “mô hình mẫu” tự chủ, bỏ bộ chủ quản đối với 1-2 trường đại học trực thuộc về tổ chức bộ máy, hội đồng trường, chuyên môn, tài chính… để các cơ sở giáo dục đại học khác làm theo.

Đẩy mạnh sự tham gia của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, trường đại học vào đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá, xây dựng học liệu điện tử, bài giảng điện tử, đào tạo trực tuyến…

Theo Đình Nam

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​