Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng: Điểm sáng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
- Details
- Đăng ngày 05/12/2017 Lượt xem: 5640
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An chú trọng nâng chất đội ngũ giáo viên (GV) và đổi mới phương pháp dạy học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Khi đổi mới phương pháp dạy học theo nhóm, giáo viên và học sinh tương tác nhiều hơn, giúp các em phát huy năng lực
Nâng chất lượng đội ngũ giáo viên
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng - thầy Nguyễn Văn Toàn xác định: “Trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW và Chương trình 37-Ctr/TU của Tỉnh ủy, trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ GV nhằm đáp ứng việc dạy tốt, học tốt. Điều này được thực hiện chủ yếu thông qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV”. Toàn trường có 27/27 GV đạt chuẩn; trong đó, GV trên chuẩn chiếm hơn 90%. Ngoài tham gia các lớp tập huấn, hàng năm, do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức, GV còn tự trau dồi, học tập sau mỗi giờ lên lớp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Cô Trần Thị Kiều Liên bộc bạch: “GV không nên bằng lòng với hiện tại mà phải phấn đấu, nỗ lực liên tục. Ngoài tự học nâng cao trình độ, tôi tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng qua nghiên cứu tài liệu. Ở trường, tôi học tập kinh nghiệm của những GV khác. Trong giảng dạy, tôi cố gắng tìm tòi phương pháp phù hợp, áp dụng với từng đối tượng học sinh (HS). Có như vậy, hoạt động dạy và học mới hiệu quả”.
Năm học 2016-2017, trường có 99,3% HS hoàn thành chương trình lớp học và 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học. Hiệu quả đào tạo sau 5 năm đạt hơn 98%. Trong các cuộc thi Câu lạc bộ Toán tuổi thơ toàn quốc và giải Toán qua mạng Violympic năm 2017, trường có 9 HS đoạt giải. Đó là “quả ngọt” của thầy, trò ở một ngôi trường thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh!
Đổi mới phương pháp dạy
Từng đoạt giải Nhất cuộc thi giải Toán qua mạng Violympic cấp tỉnh và Huy chương Đồng cuộc thi Toán - tiếng Anh toàn quốc, em Đoàn Chí Thiện - HS lớp 5/3, chia sẻ: “Khi dạy, cô chia lớp thành nhiều nhóm. Với nhóm HS khá, giỏi, cô cho thêm bài tập nâng cao để giải. Nhờ vậy, em được học nhiều bài tập khó và tham gia tốt các cuộc thi vừa qua”.
Việc phân chia HS thành nhiều nhóm trong từng lớp học là phương pháp dạy, học theo mô hình trường học mới mà Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng áp dụng trong nhiều năm qua. Theo thầy Nguyễn Văn Toàn, lúc đầu, trường chia nhóm xen kẽ để HS giỏi kèm HS trung bình. Nhưng sau 1 năm thực hiện và thấy không hiệu quả, trường chia nhóm theo từng đối tượng: Giỏi, khá, trung bình,... Điều này giúp các em tự phát huy năng lực và tính tự học tốt hơn.
Khi áp dụng phương pháp này, GV là người tổ chức, hướng dẫn các hoạt động cho HS và tạo môi trường học tập thân thiện để phát triển năng lực, phẩm chất HS. “Dạy theo phương pháp mới, hoạt động dạy và học chuyển từ hình thức truyền thụ kiến thức sang việc tổ chức, hướng dẫn HS cách học. Khi đó, tuy GV dạy vất vả hơn nhưng kết quả học tập của HS thì rất tốt bởi có sự tương tác giữa GV và HS. Vì vậy, để dạy tốt, trước giờ lên lớp, GV phải chuẩn bị nhiều dạng bài tập cho từng nhóm HS” - cô Trần Thị Bích Truyền - GV Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng, cho biết.
Cũng theo cô Truyền, trong một tiết dạy, GV phải di chuyển liên tục đến các nhóm, kịp thời giúp những HS gặp khó khăn trong hoạt động học tập. Những HS yếu được GV quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hơn để nắm kiến thức và làm được bài tập thực hành cơ bản. Nhờ vậy, đến cuối học kỳ, những HS này vẫn đạt kiến thức, kỹ năng cơ bản. Còn với HS khá, giỏi, GV hướng dẫn thêm những bài tập nâng cao giúp các em phát huy năng lực. Ngoài ra, GV thường xuyên thay đổi HS ở các nhóm, tạo cơ hội cho tất cả HS luân phiên làm nhóm trưởng, điều hành hoạt động của nhóm. Đây là những phương pháp giúp tiết học thành công và HS cũng hứng thú học tập hơn!
“Ngoài dạy học theo nhóm nhằm phát huy năng lực HS, trường còn tổ chức dạy môn Tiếng Việt lớp 1 chương trình công nghệ giáo dục; dạy môn Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực HS và ứng dụng phương pháp Bàn tay nặn bột trong dạy môn Tự nhiên xã hội, môn Khoa học,... Những hoạt động này nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” - thầy Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm.
Dù là ngôi trường vùng sâu, điều kiện dạy, học còn lắm khó khăn nhưng tập thể Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng quyết tâm vượt khó, nâng cao chất lượng giáo dục. Với sự năng động, sáng tạo, Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng là một trong những “điểm sáng” về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
Theo Thùy Hương