Lớp học tình thương nơi biên giới
- Details
- Đăng ngày 03/12/2016 Lượt xem: 6782
Nhiều năm nay, Đồn biên phòng (ĐBP) Bến Phố (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) phối hợp tổ chức lớp học tình thương trên biên giới do cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của đồn trực tiếp giảng dạy, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Lớp học tình thương được tổ chức tại điểm phụ Trường Tiểu học Hưng Điền A, do binh nhất Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1994, quê ở huyện Tân Hưng trực tiếp đứng lớp.
Để đưa được "con chữ" đến với học sinh ở đây, CBCS ĐBP Bến Phố kết hợp chặt chẽ với địa phương, Chi hội Phụ nữ và Ban công tác Mặt trận kiên trì đến từng nhà, vận động các gia đình có con em ở độ tuổi đến trường tham gia lớp học; vận động mạnh thường quân ủng hộ tập vở, viết,... Ngay từ buổi đầu mở lớp, có rất nhiều gia đình đăng ký cho con em theo học. Hiện tại, ĐBP Bến Phố duy trì 2 lớp với 18 em theo học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Linh luôn tận tâm, tận lực vì "con chữ" cho lớp học tình thương
Em Nguyễn Thị Hằng - học sinh lớp học tình thương vui mừng: "Nhà con nghèo, không có giấy tờ tùy thân nên con không có điều kiện đến trường, nay được các chú bộ đội biên phòng dạy cho con biết đọc, biết viết, được vui chơi cùng bạn bè, con rất vui. Con hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ và các chú bộ đội!".
Chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm nên khi được đơn vị phân công phụ trách lớp, Linh xác định nhiệm vụ vinh quang, cao cả này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là vận động các em đến lớp. Bởi lớp học này chủ yếu là con em Việt kiều Campuchia sinh sống trên biên giới, đời sống khó khăn; với họ, lo được mỗi ngày 3 bữa cơm cho gia đình đã là quá vất vả, còn việc học hành của con là chuyện xa vời. Cái khó kế tiếp là soạn giáo án, tài liệu, cũng như phương pháp sư phạm,...
Thấu hiểu được những khó khăn trên, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hưng Điền A tạo điều kiện thuận lợi để Linh dự các tiết dạy của các thầy, cô nhằm nâng cao kiến thức, phương pháp sư phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cuộc sống của Việt kiều Campuchia nơi đây còn nhiều khó khăn, hàng ngày, cha mẹ phải làm thuê kiếm sống nên làm gì có thời gian đưa con em đến trường học tập. Trước tình cảnh đó, thầy giáo Linh tranh thủ sáng sớm đi đến từng nhà để rước học sinh đến lớp. Có những hôm trời mưa bất chợt, thầy dành áo mưa cho học sinh, còn mình phải chịu ướt. Đường bùn sình trơn trợt, học sinh ngồi trên yên xe đạp, thầy giáo cố gắng đẩy xe nhích từng đoạn đường để đón, đưa học sinh đến trường, về nhà.
“Nhìn hình ảnh cảm động đó, dù có nghèo khổ, khó khăn đến mấy thì tui cũng phải quyết cho các con đến lớp. Thầy vì các con mình thì sao mình lại không vì các con của mình” - giọt nước mắt cảm động lăn dài trên gò má già nua, sạm nắng của một người cha Việt kiều Campuchia như thay lời cảm ơn thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Văn Linh.
Chính trị viên ĐBP Bến Phố - Thiếu tá Hoàng Văn Dũng cho biết: "ĐBP Bến Phố có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 25,5km với xã Hưng Điền A và Khánh Hưng, đời sống nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, một số hộ dân Việt kiều Campuchia về làm ăn, sinh sống trên địa bàn, số hộ dân này không nhà ở, không nghề nghiệp, ruộng vườn, không giấy tờ tùy thân, vì thế, việc quản lý gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy ĐBP Bến Phố xây dựng kế hoạch, tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp cơ quan chức năng tiến hành mở lớp học tình thương nhằm giúp con em Việt kiều có điều kiện được đến lớp. Qua thời gian duy trì, đến nay, các em biết đọc, biết viết”.
Bằng những việc làm nặng tình, nặng nghĩa quân - dân nơi biên giới, nhất là đem những "con chữ" đến với trẻ em nghèo, CBCS Bộ đội Biên phòng được nhân dân biên giới tin yêu, mến phục, thân gọi bằng cái tên trìu mến “Thầy giáo quân hàm xanh"./.
Theo Thanh Chương/Báo Long An Online