Mỗi thầy cô phải thực sự được tôn trọng, được cống hiến
- Details
- Đăng ngày 07/09/2016 Lượt xem: 5240
(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, công tác về đổi mới con người, gồm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sẽ là ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục năm nay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Trước thềm năm học mới, ngoài nhiệm vụ dạy và học thường xuyên, Bộ tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, có rất nhiều việc để làm nhưng không thể làm dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm”.
Bộ GD&ĐT đã xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới. Trong 9 nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ quan trọng là đổi mới chất lượng giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục. Tất cả những thành bại của đổi mới đều phụ thuộc vào đội ngũ đứng lớp và cán bộ quản lý giáo dục.
"Chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc xây dựng chuẩn giáo viên, chuẩn nhà giáo để làm căn cứ rà soát lại đội ngũ giáo viên. Qua đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sao cho thiết thực, hiệu quả. Đối với đội ngũ hơn 1,3 triệu giáo viên hiện nay, chúng tôi chủ trương đào tạo lại để cố gắng sử dụng tối ưu đội ngũ đã có để phát huy được năng lực của thầy cô, tạo ra sự đồng khởi trong đổi mới sáng tạo. Như vậy mới thực hiện được đổi mới phương thức, nội dung giáo dục”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ. trong 5 giải pháp căn bản thì Bộ GD&ĐT xác định khâu đột phá là đổi mới thể chế bởi có những văn bản chỉ đạo về giáo dục thực sự có vấn đề bất cập. Thậm chí có những văn bản trước kia đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp thì phải thay đổi, những gì chưa có theo đòi hỏi của thực tế thì phải bổ sung theo hướng kiến tạo, đồng thời, có cơ chế rà soát, kiểm tra.
Thừa nhận điều kiện lương bổng hiện nay cũng hạn chế sức sáng tạo, cống hiến của giáo viên, Bộ trưởng khẳng định, nghề nào cũng cần có chế độ đãi ngộ tương xứng. Trong năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan về chính sách chế độ lương bổng cho nhà giáo nhằm cải thiện đời sống thầy cô. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng “đối với nhà giáo, lương, thu nhập không phải yếu tố quyết định tới chất lượng dạy và học. Do đó, bên cạnh việc nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho thầy cô giáo, Bộ cũng sẽ quan tâm tạo môi trường làm việc để thầy cô thực sự cảm thấy được tôn trọng và được khuyến khích cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.
Bộ trưởng cho rằng đổi mới cần thời gian, không thể hoàn thiện ngay, nhất là đổi mới tư duy. Gần đây, có dư luận xã hội do quá bức xúc đã làm tổn hại đến tâm hồn và tâm huyết cũng như lòng tự trọng của nghề dạy học.
Bên cạnh đó, trong đội ngũ nhà giáo vẫn còn những người chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và đạo đức, đặc biệt là chưa đáp ứng được những yêu cầu cao của đổi mới.
Do đó, năm học 2016-2017, Bộ xác định nâng cao chất lượng đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục là trọng tâm, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Phần lớn các thầy cô tâm huyết với ngành nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tâm huyết chưa đủ mà phải có kiến thức đủ tốt để đáp ứng được các quy chuẩn, để dạy theo phương pháp tiếp cận mới. Đó là nhiệm vụ, thách thức cực lớn với các thầy cô, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã có chương trình rà soát, xây dựng các quy chuẩn đối với giáo viên các cấp bậc học, đối với cán bộ quản lý để căn cứ vào quy chuẩn ấy rà soát xem các thầy cô đang ở đâu trong chuẩn và xây dựng các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn, giúp các thầy cô đáp ứng được các chuẩn đó.
“Thay vì cứ đến hè các thầy cô lại tập trung ở một điểm để bồi dưỡng thì nay, Bộ sẽ tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức từ xa qua mạng. Như vậy, đội ngũ giáo viên sẽ liên tục cập nhật đầy đủ, chính xác các chủ trương, chính sách, chương trình một cách chủ động nhất”, Bộ trưởng nói.
Theo Nguyệt Hà/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ