Đổi mới giáo dục Đại học nhìn từ quan điểm đến hành động
- Details
- Đăng ngày 29/08/2016 Lượt xem: 4564
(GDVN) - Đổi mới giáo dục đại học cần đặt trong tổng thể chương trình đổi mới căn bản và toàn diện của cả hệ thống giáo dục, cần có sự thay đổi về tư duy, chiến lược.
LTS: Bàn về vấn đề đổi mới giáo dục Đại học hiện nay, thầy giáo Trần Trí Dũng đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Năm 2011 được coi là năm ghi dấu một mốc đối với ngành giáo dục, đó là Đại hội Đảng toàn quốc khai mạc vào tháng 1 với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục.
Tại đại hội, Đảng đã nhận định, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế (chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người).
Theo đó, việc đổi mới căn bản và toàn diện được thực hiện đồng bộ ở mọi cấp học trên mọi phương diện, việc đổi mới giáo dục đại học cũng là một vấn đề nằm trong chủ trương đó.
Để thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục, tháng 11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tiến hành Hội nghị lần thứ 8. Tại Hội nghị này, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đã được đưa vào nghị quyết số 29.
Một tiết học của sinh viên Đại học Sư phạm (ảnh: tuoitre.vn).
Mặc dù Nghị quyết 29 đã đưa ra nhận định rằng chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nhưng mục tiêu và phương hướng đổi mới giáo dục đại học lại được đề cập rất ít.
Bài viết này xin được đề cập một số vấn đề về nội dung đổi mới giáo dục đại học.
Thực trạng thất nghiệp ngày càng tăng
Cũng cần lưu ý thêm rằng, nói đến giáo dục Đại học, luật giáo dục phân thành bốn phân hệ gồm đào tạo Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ nói tới giáo dục Đại học trong cách hiểu thông thường, còn đối với đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, xin được đề cập khi có thể.
Nói đến đổi mới, đó là tổng thể các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng và cách thức thực hiện với một vấn đề nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và có tính chất phát triển hơn.
Mục tiêu của giáo dục Đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo.
Đổi mới giáo dục Đại học, trước hết là đổi mới về tư tưởng và triết lý giáo dục, đây là khâu đầu tiên được quán triệt trong các hoạt động dạy học và quản lý giáo dục.
Tiếp đó là khâu xác định mục tiêu giáo dục nhằm đào tạo ra những con người như thế nào, trên cơ sở đó cụ thể hóa và chuẩn đầu ra bậc học.
Sau các khâu trên, mới tổ chức biên soạn khung chương trình và giáo trình mới, xác định chuẩn nghề nghiệp của giảng viên, từ đó quyết định phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
Ở khâu này, kết hợp tổ chức đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng giảng viên theo định hướng đổi mới của chương trình.
Cuối cùng là xác định hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá.
Đây là khâu cuối, khép lại một hệ thống hoạt động giáo dục chặt chẽ, là hệ quả tất yếu từ tất cả các khâu trên.
Một thực tế là trong những năm gần đây, xu hướng thất nghiệp đang ngày một gia tăng, đặc biệt là đối với những lao động có trình độ cao.
Con số hơn 190 nghìn cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ thất nghiệp khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, suy nghĩ về giáo dục Đại học. Tình trạng này một mặt là do không có cầu trong thị trường lao động, mặt khác là giáo dục Đại học không đáp ứng thực tiễn với nhu cầu xã hội.
Các cử nhân, kỹ sư khi ra trường thiếu kỹ năng thực hành và ứng dụng trong hoạt động thực tiễn. Đó cũng là một hệ quả tất yếu của thực trạng giáo dục đại học chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với yêu cầu sử dụng nhân lực và chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Phương pháp dạy và học chậm đổi mới, chưa thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.
Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả còn lạc hậu, phương tiện giảng dạy thiếu thốn.
Bên cạnh đó là hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ, phương thức giáo dục; nặng lý thuyết, xem nhẹ thực hành.
Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc.
Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Vì thế, việc đổi mới gắn liền với khả năng cung ứng nhu cầu xã hội, tăng cường kỹ năng thực hành và ứng dụng trong thực tiễn cần thiết đặt ra đối với đào tạo Đại học.
Đổi mới giáo dục đại học phải đảm bảo sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.
Về nội dung, giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin với kiến thức chuyên môn và các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; tương ứng với trình độ chung của khu vực và thế giới.
Từ đó, đào tạo trình độ đại học phải bảo đảm cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn tương đối hoàn chỉnh; có phương pháp làm việc khoa học; có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn.
Đổi mới theo hướng tự học, nâng cao năng lực sáng tạo
Ở đây có một điểm cần lưu ý, nói tới các bộ môn khoa học Mác-Lênin, trước đây chúng ta nhận định đó là những môn khoa học có ý nghĩa về mặt phương pháp luận và định hướng tư tưởng.
Tuy nhiên, hiện nay đã có một sự thay đổi.
Cụ thể, trước đây Hiến pháp năm 1992 quy định tại Điều 4, Đảng Cộng Sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 nay đã quy định, Đảng Cộng Sản Việt Nam là:
“Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như thế, từ chỗ Đảng Cộng Sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin đến chỗ lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng là đã có một sự thay đổi trong nhận thức chung.
Vì vậy, các môn khoa học Mác-Lênin chỉ còn ý nghĩa định hướng về mặt tư tưởng, do đó việc đổi mới trong giáo dục tư tưởng đối với sinh viên Đại học cũng cần theo hướng này.
Từ các cơ sở trên, việc đổi mới phương pháp đào tạo trình độ trình độ đại học phải coi trọng việc nâng cao năng lực tự học, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, từ đó tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.
Về mặt chương trình và giáo trình đại học, đây là nội dung thể hiện mục tiêu giáo dục đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo phải bảo đảm yêu cầu liên thông với các chương trình giáo dục khác.
Giáo trình giáo dục đại học cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của giáo dục đại học phải đáp ứng các yêu cầu về phương pháp giáo dục đại học.
Với những yêu cầu trên, mục tiêu chung của giáo đại học là nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đào tạo người học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
Từ đó, đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo.
Từ nhận thức đó, về mặt vĩ mô, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; tập trung đầu tư xây dựng một số trường, khoa, chuyên ngành mũi nhọn, chất lượng cao.
Quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo đại học là phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan.
Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Từ đó, đổi mới hệ thống theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở này, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Đối với việc đánh giá kết quả đào tạo đại học cần theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; năng lực thực hành, năng lực tổ chức và thích nghi với môi trường làm việc.
Từ đó, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Ở đây, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.
Như thế, từ quan điểm chỉ đạo đến hành động thực tiễn là cả một quá trình, mà ở đây cần có những hành động cụ thể.
Đổi mới giáo dục đại học cần đặt trong tổng thể chương trình đổi mới căn bản và toàn diện của cả hệ thống giáo dục, hài hòa ở tất cả các cấp học và bậc học, mà ở đây cần thiết có sự thay đổi về mặt tư duy và định hướng mang tính chiến lược.
Theo Trần Trí Dũng/Giáo dục Việt Nam