Cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều là lỗi của ai?
- Details
- Đăng ngày 25/08/2016 Lượt xem: 5029
(GDVN) - TS.Nguyễn Thanh Tùng: “Tôi cho rằng, đẩy nhanh quá trình tự chủ của các trường đại học công lập chính là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo”.
Trong cuộc làm việc với Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đầu tháng 8 vừa qua, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ông đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập và trường đại học đầu tiên ông tới thăm sau khi nhậm chức cũng là một trường ngoài công lập.
Tuyên bố trên của Tư lệnh ngành giáo dục là một tín hiệu rất đáng mừng với giáo dục đại học Việt Nam, vì sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập chính là xu thế chung của thế giới.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Đại học Nguyễn Trãi cho biết, những chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không chỉ đem lại một luồng gió mới, hơi thở mới cho các trường đại học ngoài công lập.
Xa hơn nữa, sự phát triển của các trường đại học không sử dụng ngân sách nhà nước là xu thế của thời đại, mà điều đó đã được khẳng định ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới.
Chiến lược giáo dục của Việt Nam là đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ sinh viên học tại các trường tư thục chiếm 30 – 40%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì tỷ lệ này còn rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng 14%. Ông có bình luận gì trước kết quả này?
TS.Nguyễn Thanh Tùng: Tôi rất ấn tượng vì trong buổi làm việc với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ rõ, không có phân biệt, miễn là các cơ sở giáo dục đào tạo làm tốt, chất lượng và tiến tới cạnh tranh lành mạnh. Không có chuyện phân biệt con đẻ, con nuôi.
Điều đó cho thấy quyết tâm của Bộ trưởng và sẽ mở ra nhiều hướng đi, tạo sự phát triển lành mạnh cho giáo dục đại học. Đó chính là tương lai của các thế hệ trẻ Việt Nam.
TS.Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, trước khi quyết định vào trường đại học nào, thí sinh nên tìm hiểu tỉ mỉ về cách đào tạo của trường đó và cần tham khảo những người có kinh nghiệm. ảnh: Ngọc Quang.
Trở lại với vấn đề này hơn 10 năm trước, tức là vào năm 2005 Luật Giáo dục ra đời, khẳng định quyền sở hữu tài sản (Điều 67) của các trường dân lập, trường tư thục, giáo dục ngoài công lập có bước phát triển ấn tượng.
Chiến lược giáo dục đến 2020 của Việt Nam là phấn đấu đưa tỷ lệ sinh viên học tại các trường tư thục chiếm từ 30-40%. Đó là một ý tưởng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục hiện đại, mà ở nhiều quốc gia tiên tiến đã thành công.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa ra lộ trình này thì cho tới nay con số này mới chỉ đạt được khoảng 14% - một kết quả khá khiêm tốn. Và theo kế quả nghiên cứu của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam thì chỉ cần so sánh với các nước trong khu vực cũng đã thấy có một khoảng cách lớn.
Thí dụ, tỷ lệ này ở Lào đã vượt 40%; Campuchia đã đạt tới 58%; Malaysia 50,9%. Còn nếu so sánh với một quốc gia có trình độ phát triển cao hơn cũng ở châu Á, thí dụ như Hàn Quốc đã đạt 80,1%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả khiêm tốn này tại Việt Nam, trong đó có những chính sách chưa rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Xin nêu ra một thí dụ như sau: Điều 51 Hiến pháp khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế thị trường “với nhiều hình thức sở hữu”, “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Luật Giáo dục (Điều 67) quy định: “Tài sản, tài chính thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”, nhưng Luật Giáo dục đại học (Điều 66) thì quy định “phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo nghiên cứu khoa học” của trường đại học tư thục phải “dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học”, “giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động… là tài sản chung không chia”.
Việc dành ít nhất 25% trước thuế để tái đầu tư không những khác với thông lệ hạch toán kế toán mà còn trở thành “tài sản chung không chia” của nhà trường.
Điều này đồng nghĩa với việc càng làm ăn có hiệu quả, tái đầu tư lớn thì tài sản chung không chia lại càng tăng nhanh. Rốt cục tỷ lệ tài sản tư/tài sản chung không chia tiến tới vô cùng bé.
Bất cập này có thể khiến cho các nhà đầu tư e ngại, làm cho chủ trương xã hội hóa giáo dục có thể không đạt được kết quả tốt nhất như mong muốn. Và chúng ta phải nghiên cứu, điều chỉnh, loại bỏ những bất cập trong các chính sách.
Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học công lập có được lợi thế hỗ trợ về cơ sở vật chất và tài chính đang khiến cho chất lượng đào tạo bị trì trệ?
TS.Nguyễn Thanh Tùng: Cần phải đánh giá một cách công bằng là trong những năm trước đây, các trường đại học công lập đã góp những góp quan trọng cho sự phát triển của nền giáo dục. Điều đó phải được ghi nhận công bằng, và cho đến bây giờ vẫn có những ngôi trường tốt, giữ được uy tín.
Song bên cạnh đó, do áp lực kinh tế thị trường nên có rất nhiều trường không đảm bảo được chất lượng đào tạo.
Nhiều trường nâng từ cao đẳng lên đại học, từ trung cấp lên cao đẳng để dễ bề tuyển sinh, song thực chất đào tạo lại kém, mà minh chứng rõ nhất là danh sách hàng vạn cử nhân thất nghiệp ngày càng dày thêm.
Thời gian vừa rồi, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện thí điểm tự chủ đối với một số trường đại học, bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quá trình này cần được đẩy nhanh hơn nữa, bởi vì vẫn đang còn hàng trăm trường đại học, cao đẳng công lập được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, song chính họ lại tuyển sinh tràn lan, đào tạo yếu kém rồi đẩy ra xã hội những cử nhân non cả về nghiệp vụ chuyên ngành lẫn kỹ năng mềm.
Chính trong buổi làm việc với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ rõ: “Ngày xưa thời bao cấp, thời kinh tế tập trung thì bộ nào, địa phương nào cũng có một trường, nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải chuyên nghiệp. Do đó, không có lý do gì mà mỗi bộ ôm một trường, thậm chí nhiều trường”.
Đây là một bất cập trong quản lý vĩ mô nhiều năm nay, nó dẫn tới hai hệ lụy: Thứ nhất, nhà nước mỗi năm phải tốn kém hàng trăm tỷ đồng vào các trường đại học, cao đẳng công lập, vô cùng tốn kém nhưng hiệu quả thì quá nhỏ bé, vì chất lượng đào tạo yếu kém.
Vấn đề này có lần PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cảnh báo, không thể để tiếp diễn tình trạng các trường công lập giống như “những con bò sữa”.
Thứ hai, vì đó là những ngôi trường công lập thì sẽ xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, cứ tuyển sinh, thu tiền học phí, rồi hết thời gian học thì cấp bằng. Họ chẳng mấy khi quan tâm tới vấn đề sinh viên khi đã cầm tấm bằng có tìm được việc làm không?
Ngay trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã từng nói thẳng là nhiều trường tốp trên mà công bố nhận hồ sơ xét tuyển từ mức điểm sàn (15 điểm) là kém văn hóa.
Tình trạng này sẽ tiếp tục làm chậm chiến lược nâng số lượng sinh viên học tại các trường tư tục, gánh nặng tiếp tục đè nặng lên ngân sách nhà nước, và hậu quả thì xã hội gánh chịu.
Thống kê cho thấy có tới 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng mềm, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tìm kiếm việc làm và lgây ra các rào cản khác trong công việc.
Cũng chính vì tuyển sinh tràn lan và đào tạo kém chất lượng nên rất nhiều thí sinh vẫn hoang mang khi chọn trường nào, ngành nào?
TS.Nguyễn Thanh Tùng: Bây giờ đang là giai đoạn quá độ để có một nền giáo dục lành mạnh, do đó quả thực rất khó khăn cho các thí sinh trước một ma trận tuyển sinh.
Lời khuyên của tôi là trước khi quyết định chọn học ở trường nào, các bạn phải tìm hiểu thật kỹ, phải có sự tham khảo của những người có kinh nghiệm, đặc biệt là sự minh bạch và cam kết ở ngôi trường các bạn dự định học.
Thí dụ khi Đại học Nguyễn Trãi tuyển sinh, chúng tôi dám cam kết ít nhất hơn 90% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ưng ý.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc đào tạo khối kiến thức về kỹ năng (bao gồm 22 kỹ năng mềm và kỹ năng nghề), chúng tôi xây dựng mô hình đào tạo mở (nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp), tức là ngay từ năm học đầu tiên sinh viên đã được tham gia trải nghiệm, làm việc tại các doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo của chúng tôi rất chặt chẽ và được các doanh nghiệp ở từng ngành thẩm định. Thậm chí ở ngay khâu tư vấn chọn ngành, chúng tôi đã phải nỗ lực rất lớn để định hướng đúng cho thí sinh.
Chúng tôi cho phép sinh viên kiến nghị đổi giảng viên, thậm chí khi kiểm tra phát hiện phương pháp và kiến thức của giảng viên không phù hợp thì dừng hợp tác ngay.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất khắt khe với sinh viên. Không chỉ yêu cầu phải vượt qua khối kiến thức lớn với 70% thời gian thực hành, chúng tôi còn yêu cầu thành thạo một ngoại ngữ bắt buộc (tiếng Anh) thì mới được nhận bằng tốt nghiệp.
Vì vậy, ngay từ đầu nếu thí sinh cảm thấy không theo được được những quy định khắt khe ấy thì các em sẽ chọn trường khác.
Quy định chặt như vậy có thể khiến chúng tôi không tuyển được nhiều sinh viên, nhưng đó là những yêu cầu bắt buộc để tạo ra những cử nhân không thất nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Ngọc Quang (Thực hiện)/Giáo dục Việt Nam