Vẫn còn gần 500.000 lao động có trình độ đang thất nghiệp
- Details
- Đăng ngày 19/08/2016 Lượt xem: 4519
(GDVN) - Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
Ngày 17/8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2 năm 2016.
Theo Bản tin, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 16.400 người so với quý 1/2016.
Theo đó, có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp, chiếm tới 40%. Trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
Vẫn còn 418.200 lao động có trình độ đang thất nghiệp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 6,6%), đại học trở lên là 4%.
Trong quý 2, nhóm lao động có bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất, chiếm 30,9%, tiếp theo là nhóm có trình độ cao đẳng (chiếm 19,2%) và đại học trở lên (chiếm 16,8%).
Nhóm nghề có trình độ chuyên môn như kế toán-kiểm toán, quản trị kinh doanh, nhân sự... là những nhóm nghề có số lượt người tìm việc nhiều nhất. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung vào các công việc lao động phổ thông, chăn nuôi, cơ khí chế tạo, bán hàng, nhân viên kinh doanh, dệt may, điện tử...
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% trong tổng số người thất nghiệp-gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thừa nhận việc nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ít đang là thực trạng của thị trường lao động.
Theo ông Diệp, về thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, cần phải có sự kết hợp của các bộ ngành, phải thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Nhất là phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hoá giáo dục đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Bản tin đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm có hội việc làm sẽ tăng trong một số ngành như: Xây dựng, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bất động sản. Lao động trong ngành nông nghiệp giảm nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.
Theo Thùy Linh/Giáo dục Việt Nam