Ngành giáo dục nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng
- Details
- Đăng ngày 05/08/2016 Lượt xem: 4197
(Chinhphu.vn) - Năm học 2015-2016, với nhiều nỗ lực, ngành GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả về phổ cập giáo dục các cấp, đẩy mạnh tự chủ đại học, đổi mới thi cử, tuyển sinh… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng phải nhìn thẳng vào những tồn tại, khuyết điểm, vướng mắc thì mới có thể đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Dấu ấn từ kỳ thi THPT quốc gia và tự chủ đại học
Tại buổi tổng kết năm học 2015-2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được nâng lên rõ rệt.
Tính đến hết năm học 2015-2016, cả nước có 50/63 tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGDMN (tỉ lệ 79,4%), 97,8% đơn vị cấp xã, 92,4% đơn vị cấp huyện. Như vậy, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu của Quyết định 239/QĐ-TTg về PCGDMN cho trẻ.
Ngành giáo dục các địa phương đã phối hợp với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở những vùng có điều kiện xã hội khó khăn.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì; chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên, đào tạo học sinh giỏi tiếp tục đạt kết quả cao.
Nhờ vậy, kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được nâng cao, chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì bền vững. Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Trong năm học 2015-2016, Bộ cũng tiếp tục duy trì và nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS), bảo đảm tính bền vững và chất lượng. Tính đến tháng 6/2016, có 63/63 tỉnh đạt chuẩn, đạt tỉ lệ 100%; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, tỉ lệ học sinh 15-18 tuổi có bằng tốt THCS là 89,46%. Hiện vẫn còn 7 xã của 4 tỉnh, thành phố chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Rút kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, năm nay Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh phù hợp hơn. Các địa phương và các cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Kỳ thi năm nay, cả nước có 120 cụm thi, trong đó có 70 cụm thi (với 780 điểm thi) do trường đại học chủ trì và 50 cụm thi (với 672 điểm thi) do Sở GD&ĐT chủ trì với tổng số 887.404 thí sinh đăng ký dự thi. Nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12, được đánh giá là có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Chất lượng giáo dục đại học cũng được cải thiện qua từng năm thể hiện qua các mặt: Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đã được xây dựng và cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ở một số trường ngày càng tăng; ngày càng có nhiều chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận. Vị trí xếp hạng các trường đại học Việt Nam trên các bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới tiếp tục được cải thiện, công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ tính riêng các trường trực thuộc Bộ thì hiện có 5 trường đã mời các tổ chức kiểm định quốc tế (ABET, AUN-QA) và đã kiểm định thành công 15 chương trình đào tạo trong số 62 chương trình được kiểm định quốc tế trong toàn quốc.
Năm học 201-2016 cũng là năm triển khai thí điểm tự chủ giáo dục đại học theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều trường đã tích cực, chủ động và thực hiện hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học; mở rộng các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên; bước đầu hình thành và phát triển việc chuyển đổi, công nhận tín chỉ với các trường của quốc gia khác thông qua các chương trình.
Nhiều trường đã triển khai áp dụng các chương trình chất lượng cao như Chương trình giáo dục đại học theo định hướng chuyên nghiệp (Professional Oriented Higher Education-POHE), Chương trình kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) và Chương trình đào tạo chất lượng cao. Qua đó, nâng tổng số lượt ngành/chương trình đào tạo chất lượng cao trong cả nước lên gần 250 chương trình, bước đầu tạo sự lan tỏa về mô hình đào tạo chất lượng cao trong toàn hệ thống.
Triển khai mô hình trường học mới (VNEN) cấp tiểu học và bước đầu triển khai ở THCS, tạo môi trường giáo dục dân chủ, hợp tác cho học sinh, giúp học sinh chủ động, linh hoạt, sáng tạo, chia sẻ, tôn trọng nhau, tự tin, vui vẻ, có trách nhiệm với tập thể, biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện.
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc tiếp tục được củng cố, phát triển về quy mô, mạng lưới Năm học 2015-2016, trường PTDTNT có ở 50 tỉnh/thành phố với 314 trường, số lượng 91.193 học sinh, tăng so với năm học 2014-2015 là 6 trường.
Bộ trưởng Bộ DG&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhìn thẳng vào tồn tại để khắc phục hiệu quả
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều tồn tại. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng đây chính là những điểm yếu mà ngành cần khắc phục để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.
Đó là, mặc dù đã phân cấp quản lý nhưng một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. Còn tình trạng né tránh, đổ lỗi cho các cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các hạn chế, tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo của địa phương.
Việc quy hoạch lại hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, trình độ không đồng đều. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt.
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Đề án Ngoại ngữ 2020 chưa thực sự phát huy được vai trò nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay.
Mặc dù ngành đã xác định đẩy mạnh tự chủ đại học và coi đây là phương thức tiên quyết, quyết định tới việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, song thực tế cho thấy việc thực hiện tự chủ của các trường đại học còn nhiều hạn chế, lộ trình triển khai chậm.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống.
Đây là những hạn chế, tồn tại mà ngành giáo dục đặt mục tiêu phải khắc phục hiệu quả trong các năm tiếp theo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.
Riêng trong năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh công tác phân luồn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.
Theo Nguyệt Hà/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ