Hơn 190.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ xem xét lại kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2020.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) đề cập tới những tồn tại trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 chỉ rõ:

Công tác đào tạo nghề chuyển biến chậm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 20% trong tổng số lao động đang làm việc, chưa đáp ứng được quan hệ cung cầu trên thị trường lao động và xu thế hội nhập khu vực, quốc tế.

Vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng mới ra trường còn khó khăn. Tốc độ già hóa dân số nhanh là thách thức lớn với nước ta

Trong số thất nghiệp có khoảng: 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên; 118,9 nghìn người có trình độ cao đẳng, chuyên nghiệp; 10.000 người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp...

Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thanh Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

“Ngày 22/7/2011, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2011 – 2020, trong đó đã nêu đầy đủ, chi tiết nhu cầu nhân lực của tất cả các ngành.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế đều cho thấy vấn đề việc làm, tạo việc làm cho thanh niên mới tốt nghiệp có trình độ đại học chưa tốt.

Vấn đề này luôn được đề cập trong các báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ. Các giải pháp đặt ra để triển khai rất nhiều nhưng chưa hữu hiệu, nên rất nhiều thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, thậm chí cao hơn nữa vẫn bị thất nghiệp”, bà Hải nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ xem xét lại kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 2011 - 2020. ảnh: Minh Thắng.

Theo quyết định phê duyệt nguồn nhân lực năm 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/7/2011

Đặt ra một trong những mục tiêu rất quan trọng là phát triển nhân lực Việt Nam phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong toàn nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55,0% trong tổng số 55 triệu người làm việc trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70,0% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế).

Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề năm 2015 khoảng 23,5 triệu người (bằng 77,0%), năm 2020 khoảng 34,4 triệu (bằng 78,5%); số nhân lực đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo năm 2015 khoảng 7 triệu người (bằng 23,0%), năm 2020 khoảng 9,4 triệu (bằng 21,5%).
Về cơ cấu bậc đào tạo đặt ra yêu cầu, năm 2015, số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng 18 triệu người, chiếm khoảng 59,0% tổng số nhân lực đã qua đào tạo của nền kinh tế; con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng 7 triệu người (khoảng 23,0%); bậc cao đẳng: Gần 2 triệu người (khoảng 6,0%).

Bậc đại học: Khoảng 3,3 triệu người (khoản 11,0%); và bậc trên đại học khoảng 200 nghìn người (chiếm khoảng 0,7%). Năm 2020, số nhân lực đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng gần 24 triệu người, chiếm khoảng 54,0% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế.

Con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng gần 12 triệu người (khoảng 27,0%); bậc cao đẳng: Hơn 3 triệu người (khoảng 7,0%); bậc đại học: Khoảng 5 triệu người (khoảng 11%) và bậc trên đại học khoảng 300 nghìn người (chiếm khoảng 0,7%).

Quyết định này cũng nói rõ mục tiêu là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40,0% năm 2010 lên mức 70,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50,0%; ngành công nghiệp từ 78,0% lên 92,0%, ngành xây dựng từ 41,0% lên 56,0%; ngành dịch vụ tăng từ 67,0% lên 88,0%.

Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đồng thời tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước.

Đi kèm yêu cầu này, quyết định phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2020 cũng đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể với các khu vực: Công nghiệp và Xây dựng; Dịch vụ; Nông – lâm – ngư nghiệp; Giao thông vận tải; Tài nguyên môi trường; Du lịch; Ngân hàng; Tài chính; Công nghệ thông tin; Năng lượng hạt nhân...

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, cho tới nay kết quả đạt được còn khá khiêm tốn khi mà tỷ lệ vào đại học, cao đẳng (chủ yếu là các trường công lập) quá lớn, đào tạo tràn lan dẫn tới tình trạng tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm đúng với ngành được đào tạo.

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ có những biện pháp mạnh hơn để cải thiện tình trạng thất nghiệp đối với lao động có trình độ đại học, trên đại học.

“Đề nghị Chính phủ rà soát lại quy hoạch nguồn nhân lực 2011 – 2020, qua đó chỉ đạo các ngành giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, lao động thương binh và xã hội phối hợp với nhau, đưa ra các giải pháp thực sự hữu hiệu để tạo được sự thay đổi trong các báo cáo trình ra Quốc hội”, bà Hải nêu ý kiến.

Thống kê cho thấy có tới 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng mềm, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tìm kiếm việc làm và lgây ra các rào cản khác trong công việc.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trước thực trạng ngày càng nhiều thanh niên có trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất là đào tạo thiếu cân đối, đặc biệt giai đoạn từ 2005 – 2010 đã mở ra quá nhiều trường đại học, cao đẳng khiến cho số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tăng chóng mặt trong khi nền kinh tế không cần nhiều cử nhân đến vậy.

Năm 2010, Quốc hội đã có báo cáo giám sát và ra Nghị quyết trong đó nói đến việc Chính phủ cần điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, tới năm 2015 tỷ lệ đào tạo đại học, cao đẳng vẫn chưa được điều chỉnh trở về mức chuẩn.

Đấy là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng dẫn tới tình trạng thất nghiệp với hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ.

Về việc đào tạo vượt quá nhu cầu của thị trường lao động, năm 2004, tôi đã cảnh báo trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XI.

Thời điểm ấy, các trường đại học, cao đẳng đào tạo khoảng 200.000 cử nhân mỗi năm.

Tôi đã nói tại thời điểm đó nước ta chỉ cần khoảng 20.000 cử nhân, nhưng lời cảnh báo của tôi không được lắng nghe và tỷ lệ vào đại học, cao đẳng cứ tăng vùn vụt.

Những năm vừa qua, mỗi năm có tới 500.000 người vào đại học, cao đẳng, trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm chỉ cần tới 1/10 số này, do đó cử nhân thất nghiệp nhiều là chuyện dễ hiểu.

Nguyên nhân thứ hai là chất lượng đào tạo không cao. Chúng ta đã có nhiều dẫn chứng về việc doanh nghiệp loại các ứng viên do hạn chế về kỹ năng làm việc.

Với thị trường ASEAN mở như bây giờ thì trong tương lai gần, thanh niên Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn.

Nếu như được đào tạo tốt, vừa có kiến thức, kỹ năng làm việc vừa có ngoại ngữ thì thanh niên nước ta sẽ có cơ hội tìm được việc làm phù hợp trên khắp thị trường Đông Nam Á.

Nhưng nếu các trường tiếp tục đào tạo xa với thực tế như hiện nay thì thanh niên Việt Nam có nguy cơ thất bại ngay trên quê hương của mình.

Nguyên nhân thứ ba là sinh viên tốt nghiệp rất ít người có bản lĩnh để lập nghiệp, mà thường chỉ học lấy cái bằng rồi đi xin việc ở khu vực nhà nước hoặc khu vực tư nhân.

Trong khi đó, lẽ ra khi đã học xong đại học thì một cử nhân hoàn toàn có thể tự tìm hướng đi riêng, lập nghiệp để vừa giải quyết vấn đề việc làm của bản thân, nhưng đồng thời cũng có những đóng góp tốt cho xã hội.

Để giúp cho sinh viên khởi nghiệp và lập nghiệp thực sự khi ra trường thì Nhà nước cần có chính sách để tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn.

Nguyên nhân thứ tư, gốc của vấn đề thất nghiệp, là nền kinh tế nước ta chưa phát triển, cơ cấu kinh tế không hợp lý.

Nếu chúng ta chỉ chủ yếu làm gia công lắp ráp cho nước ngoài, xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển nhượng đất đai, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… thì rõ ràng là sẽ ngày càng thừa mứa cử nhân.

Một nền kinh tế thực sự phát triển, với cơ cấu các ngành hợp lý và chính sách nhân lực đúng sẽ là động lực để phát triển khoa học, giáo dục và để các bạn trẻ nỗ lực học tập, rèn luyện và tự lập nghiệp chứ không chỉ học để rồi chờ đợi xin việc vào một cơ quan, doanh nghiệp nào đó.

Theo Ngọc Quang/Giáo dục Việt Nam

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​