Quá mệt mỏi vì thiếu bảo mẫu


         Quy định chồng chéo khiến nhân viên nuôi dưỡng trong trường mầm non không có chức danh, không được coi trọng. Vì thế, hàng loạt trường mầm non tại TP HCM không thể tuyển được bảo mẫu
         Nghị quyết 01-2014 của UBND TP HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non (MN) đã quy định bổ sung biên chế cho chức danh nhân viên nuôi dưỡng, trong khi Thông tư liên tịch 06-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - Bộ Nội vụ ngày 16-3 lại không có định biên cho chức danh này. Việc nghị quyết và thông tư vênh nhau khiến các trường MN loay hoay tìm những giải pháp tạm thời.

         Quy định vênh nhau, bảo mẫu thiếu

         Tháng 1-2014, khi Nghị quyết 01-2014 về hỗ trợ giáo dục MN được thông qua, các trường MN tại TP HCM phấn khởi vì từ đây có cơ sở pháp lý để tuyển dụng đội ngũ nhân sự cho trường. Điểm đặc biệt của nghị quyết là bổ sung biên chế cho chức danh nhân viên nuôi dưỡng. Theo đó, một lớp có một nhân viên nuôi dưỡng, nhiệm vụ là hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường: phòng học, nhà vệ sinh, hành lang… và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho các cháu… với nguồn kinh phí chi trả từ ngân sách.


Cô và trò tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
         Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch 06-2015 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, quy định về danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục MN công lập, nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ chỉ có 4: kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ; không hề có nhân viên nuôi dưỡng.

         Theo hiệu trưởng nhiều trường MN, đề án thí điểm nhận trẻ MN từ 6-18 tháng của TP HCM có nguy cơ gặp nhiều khó khăn vì đến nay vẫn không có quy định rõ ràng định biên cho chức danh bảo mẫu. Thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM cho thấy hiện toàn TP chỉ có 4 quận - huyện có bảo mẫu do các trường hợp đồng là 1, 11, Nhà Bè, Cần Giờ. Tình trạng thiếu bảo mẫu khiến các trường MN đang rất khó khăn.

         Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ MN Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết các trường tại quận hiện còn thiếu 187 bảo mẫu, danh sách đã đề xuất và kiến nghị nhưng vẫn phải chờ quyết định của cấp trên nên chưa dám tuyển. “Số bảo mẫu này do các trường đề xuất, gửi danh sách về phòng GD-ĐT ngay khi Nghị quyết 01 -2014 được thông qua nhưng chưa kịp đưa người về thì vướng Thông tư 06-2015 nên các trường cứ trong trạng thái chờ đợi” - bà Thanh giải thích.

         Giáo viên kiêm nhiệm không xuể

         Theo hiệu trưởng nhiều trường MN, đặc thù của giáo dục MN là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, nghĩa là bao hàm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ngành MN cũng là ngành vất vả nên cần thiết phải bổ sung nhân sự chứ không thể bớt, càng không thể bắt giáo viên kiêm nhiệm.

         Bà Nguyễn Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường MN Mèo Con (quận 7), cho biết giáo viên MN không được đào tạo để ra trường làm các nhiệm vụ như chà rửa nhà vệ sinh, lau chùi phòng học… Trong khi đó, thực tế, vì không tuyển được bảo mẫu nên các cô phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ: giáo viên mầm non kiêm bảo mẫu, kiêm thêm nhiệm vụ nhân viên vệ sinh...

         “Một giáo viên gánh trên vai quá nhiều công việc không đúng chuyên môn dễ nảy sinh tình trạng bỏ nghề vì quá vất vả hoặc cáu gắt, bạo hành trẻ. Lâu nay, trường nào có điều kiện thỏa thuận được với phụ huynh thì hợp đồng với bảo mẫu; ngược lại, trường nào không có điều kiện thì các cô giáo làm hết” - bà Vân nêu thực tế.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, cho biết hiện toàn quận có 18 trường MN công lập, 18 trường MN tư thục và 35 nhóm trẻ. Trong đó, khối MN công lập chưa hề tuyển được bảo mẫu do Thông tư 06-2015 và chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ. “Hiện nay, các trường MN vẫn chỉ tính toán dựa trên điều kiện cụ thể từng trường để hợp đồng với bảo mẫu, chưa được tuyển theo dạng biên chế chính thức bởi những quy định về định biên chưa rõ ràng” - ông Uyên nói.

         Trong khi đó, bà Thanh cho rằng Nghị định 108 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế nhưng giảm ở lĩnh vực nào thì không biết, riêng ngành học MN không thể giảm thêm nữa. Nếu giảm nhân sự hoặc không có bảo mẫu thì không thể giảm tải cho giáo viên MN, rồi lấy ai lo dọn dẹp vệ sinh, lau chùi phòng ốc?

         “Nếu đẩy hết trách nhiệm cho giáo viên MN thì khó tránh tình trạng vì công việc căng thẳng mà nảy sinh nóng nảy, bực bội, nguy hiểm hơn nữa là có thể trút giận lên đầu trẻ bất cứ lúc nào” - bà Thanh lo ngại.

Bấp bênh!

        Phụ trách tổ MN ở một phòng GD-ĐT cho biết cái khó khi bổ sung biên chế chức danh nhân viên nuôi dưỡng cho các cơ sở MN là khung quy định trình độ xếp ngạch bậc lương hiện nay yêu cầu phải từ trung cấp nghề trở lên. Tuy nhiên, hiện phần lớn bảo mẫu tại các trường MN chỉ có trình độ THPT, sau khi được tuyển mới học lớp nghiệp vụ bảo mẫu, hầu hết không đáp ứng yêu cầu. Nếu có trình độ cao hơn, họ đã đi tìm một công việc khác với thu nhập tốt hơn.

       Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng các trường hợp đồng được với bảo mẫu nhưng khi bị kiểm tra, trình độ không đạt yêu cầu lại phải cho nghỉ. Vì thế, đội ngũ bảo mẫu tại các trường đã khó tuyển lại còn luôn bấp bênh.


Theo ĐẶNG TRINH/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​