Vì sao quan hệ giữa trường học và gia đình lỏng lẻo?
- Details
- Đăng ngày 10/10/2015 Lượt xem: 7976
Thời gian gần đây, khi số lượng các vụ bạo lực trong trường học ngày càng tăng lên cũng là lúc xã hội đặt câu hỏi về sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh. Vì sao phải đợi đến khi một đứa trẻ có hành vi sai trái về mặt đạo đức mới khiến mọi người giật mình nhìn lại xếp loại hạnh kiểm ở trường của em?
Giáo viên và phụ huynh vui vẻ trao đổi trong buổi họp phụ huynh. Ảnh: Mai Hải
Họp phụ huynh chỉ để… thu tiền
Mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã ban hành văn bản hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và các khoản khác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn TPHCM năm học 2015-2016. Theo đó, nhà trường tuyệt đối không được giao cho giáo viên nhiệm vụ trực tiếp thu, chi tiền của học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, phần lớn thời gian của buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm đều được các trường dành để phổ biến các khoản cần đóng góp. Anh Nguyễn Thanh Sơn, phụ huynh có con đang học một trường tiểu học ở quận 3, cho biết: “Trường con tôi học mỗi năm chỉ họp phụ huynh 2 lần, mỗi lần kéo dài chưa đầy 2 tiếng nhưng toàn thấy đóng góp tiền bạc. Trong khi những điều tôi cần biết như sức học của con ở lớp, thói quen, sở thích của con ở trường hay chỉ đơn giản là việc con chơi thân với bạn nào, thích học môn nào nhất đều không được giải đáp”. Vị này cũng cho biết, sau khi kết thúc các buổi họp đầu năm thường có cảnh nhiều phụ huynh vây xung quanh cô giáo hỏi chuyện con mình. “Lớp học có gần 50 học sinh, mỗi người chỉ cần hỏi một câu thì cô đã không có thời gian trả lời nên năm nào cũng chỉ có vài người quen thân với cô giáo mới nói chuyện được, còn tôi là đàn ông nên cũng ngại chen vào hỏi chuyện”, anh Sơn cho biết.
Họp phụ huynh đã thế, vào giờ tan học, phụ huynh muốn nán lại trường hỏi thăm tình hình của con cũng khó. Bởi hiện nay các trường tiểu học, có nơi tổ chức cho học sinh tự di chuyển xuống sân, có nơi cho học sinh ngồi tại lớp chờ phụ huynh đến đón. Tuy nhiên, với cả hai hình thức tổ chức trên, phụ huynh dù đến sớm cũng chỉ gặp được nhân viên bảo mẫu vì theo quy định, giáo viên không có nhiệm vụ ổn định lớp sau giờ tan học. Chị Ngọc Hoa, phụ huynh có con học lớp 1 của một trường tiểu học ở quận 5 cho biết, hầu như tất cả mọi trao đổi giữa chị và cô giáo chủ nhiệm đều thông qua điện thoại. “Mấy ngày đầu cháu đi học, tôi còn thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô tình hình của con ở lớp, nhưng hôm thì cô đang trên đường đón con, hôm thì cô để quên điện thoại trong cốp xe, mãi đến khi về nhà mới gọi lại khiến vợ chồng tôi ngại không dám phiền cô nữa”, chị Hoa bày tỏ. Một số phụ huynh khác lại chọn cách liên hệ với giáo viên qua các hộp chat trên zalo, viber, facebook… Tuy nhiên, cách làm này phụ thuộc hoàn toàn vào giờ giấc sinh hoạt của giáo viên và không phải phụ huynh nào cũng có đủ hiểu biết về công nghệ để tham gia các hình thức trao đổi đó.
Website trường: nơi làm tốt, nơi “nguội ngắt”
Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 cho biết, ngoài các kênh trao đổi thông tin trực tiếp, phụ huynh có thể biết hoạt động của con ở trường thông qua website trường. “Từ thực đơn mỗi ngày của bé, thư viện video, hình ảnh các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thời khóa biểu ở từng lớp đến lịch công tác tuần của ban giám hiệu, phần mềm sổ liên lạc trực tuyến (cấp riêng tên tài khoản và mật khẩu cho từng học sinh) đều được chúng tôi thường xuyên tải lên đầy đủ”, cô hiệu trưởng cho biết. Tuy nhiên khi tìm hiểu hoạt động này, ghi nhận cho thấy cùng trên địa bàn quận 1 nhưng nếu các Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân làm tốt thì tại wesite của Trường THCS V.T.T., tin mới nhất là tổng kết năm học… 2011-2012. Hay như trường hợp của website Trường Tiểu học T.Q. (quận 3), tính đến thời điểm sáng 6-10-2015, tin tức cuối cùng được cập nhật là lịch công tác tuần từ ngày 6-2-2012 đến 11-2-2012. Lý giải tình trạng “nguội ngắt” đó, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 bày tỏ, do không có kinh phí duy trì hoạt động của website nên trường phụ thuộc hoàn toàn vào “sự nhiệt tình” của các giáo viên công nghệ. Nhưng “tiền bồi dưỡng không có, công việc của giáo viên đã quá bận rộn nên website chỉ hoạt động cầm chừng, phụ huynh cần trao đổi gì có thể liên hệ trực tiếp bộ phận văn phòng vào giờ hành chính”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, buổi sáng đưa con đi học thì phòng hành chính của trường chưa mở cửa, chiều tan học nhà nào cũng hối hả vì sợ kẹt xe, có trường còn đặt ra quy định không dừng xe đón con quá 20 phút nhằm hạn chế gây ùn tắc. Do đó, nếu website các trường hoạt động hiệu quả sẽ giải quyết phần nào nhu cầu liên lạc của phụ huynh. Đơn cử như website của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1), nhờ có chuyên mục “Hội cha mẹ học sinh”, trong đó đăng tải đầy đủ báo cáo thu chi quỹ hội cha mẹ học sinh cũng như hình ảnh một số hoạt động “cần dùng tiền” của hội này như cứu trợ đồng bào lũ lụt, tặng quà trung thu trẻ em nghèo… nên được phụ huynh hết sức ủng hộ. Hay chuyên mục “Liên lạc gần đây” của website Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đang làm rất tốt vai trò “thư đi, tin lại” giữa ban giám hiệu và phụ huynh. Tiếc là hiện nay số lượng đơn vị làm tốt chưa nhiều, về lâu dài cần có thêm nhiều hướng dẫn cũng như các chính sách động viên của Sở GD-ĐT TPHCM.
Theo THU TÂM./SGGP Onilne