Trao quyền cho trẻ đâu phải quá phức tạp
- Details
- Đăng ngày 25/09/2015 Lượt xem: 7983
(GDVN) - Lý lẽ nuông chiều, bao bọc hay chưa tạo kỷ cương khiến con trẻ còi cọc về mặt tâm hồn và phát triển chậm lại.
LTS: Viết tiếp mạch bài “Giáo dục kiểu ban phát, miếng cơm không biết xúc ăn, còn làm được việc gì?”, hôm nay chuyên gia giáo dục Nguyễn Đình Sơn (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) sẽ gửi tới độc giả bài viết “trao quyền cho con như thế nào”.
Bài này, tác giả cho rằng chưa trao quyền cho con bằng những khởi đầu: Tự ăn, ngã tự đứng dậy, tự học là ta đã đánh mất cơ hội giúp con trải nghiệm thành công và đối mặt với thách thức, thất bại.
Cách giáo dục đã bó chặt con khỏi sự tò mò, khám phá, năng động với môi trường xung quanh thì làm sao ta đòi hỏi con có kỹ năng, kiến thức và quan điểm của riêng mình.
Cái lý khi của cha mẹ nuông chiều
Dễ đồng cảm với những cha mẹ có con đầu tiên thường quá yêu thương, chăm sóc mà miệt mài xúc cơm cho con đến tận tiểu học. Lo sợ con chạy ra ngoài sẽ ngã khiến ta luôn o bế đứa trẻ bên mình và vô tình không giúp con thấy tự tin, dũng cảm và khả năng của bản thân.
Vậy khi tới trường con bạn sẽ đối phó thế nào trước khó khăn, điểm thấp, mắc lỗi, đi học muộn, bị bạn chọc ghẹo? Bạn sẽ lựa chọn cậu bé lên 5 tuổi, mắt tròn bừng sáng khi được khen là con “sáng tạo” vẽ tranh đẹp hay là lõng nhõng theo bà vào nhà vệ sinh để nhờ trợ giúp.
Học cách trao quyền cho trẻ đâu phải quá phức tạp. Nó chỉ là sự cố gắng khi bạn muốn con tự ăn hay tự chăm sóc bản thân. Bạn sẽ trợ giúp vui vẻ, nhiệt tình, cần mẫn và loại bỏ “quan niệm cũ, tham chiếu lệch chuẩn và qui định cá nhân lỗi thời”.
Chỉ dùng kỹ thuật soi gương và khích lệ, bạn đã giúp con tự tin vào khả năng khi được bạn bè, thầy cô ghi nhận. Nghệ thuật khích lệ giúp con rèn luyện kỹ năng và niềm tin của mình.
Khi bạn dạy con đi xe đạp, cô bé rúm ró vì sợ ngã, sợ đau. Bạn làm gì giúp con thoát khỏi nỗi sợ và bon bon đạp xe? Hãy chỉ cần nói “Có thể con sẽ ngã nhưng không đau như con tưởng đâu!” Bởi nghệ thuật chính là ở chỗ bạn tìm cách khơi gợi giúp chúng vượt qua trải nghiệm đầu đời.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Giáo dục TP HCM
Trẻ em ngày nay phát triển trong thế giới khác xa với những thời thơ ấu của chúng ta. Cha mẹ ngày nay phải lao theo áp lực học tập ở trường mà quên rằng con cần tự tin vào bản thân, sống vui vẻ, tích cực.
Tuy vậy, những lịch học kín mít, sách vở trĩu vai, máy tính kề tay và áp lực học hành cũng khiến con chưa cảm nhận mình có quyền gì. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là bạn có quyết định trao quyền cho con, rèn kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân dựa vào sức mạnh cá nhân?
Trao quyền học theo năng lực của con
Ví dụ con bước vào lớp một với “cú sốc đầu đời” gian nan tập viết với nét đổ, nét nghiêng, chữ cao, chữ thấp khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi điên đầu. Một đứa trẻ ngây thơ, hiếu động nghịch ngợm, nay phải ngồi lì tập viết đến 11 giờ đêm.
Liệu bạn có đòi hỏi quá nhiều khi con bạn đang oài ra tập viết và học số, lại ép con cõng thêm loạt bài tiếng Anh. Cần xác định con mình chưa bắt kịp, bạn có cùng con tiến từng nấc thang?
Khi gặp áp lực từ phía cô giáo, bạn có thể nhờ thầy cô cách học từng môn. Nên bình tĩnh trước làn sóng học thêm và không nao núng trước lời nhận xét từ cô chủ nhiệm. Lúc đó bạn mới thoát khỏi cảnh “tối tối quát tháo om xòm vì học” và con cũng không chán trường, sợ lớp, sợ cô.
Khi con lên cấp trung học cơ sở, ta cần trang bị cho con cách học sao cho dễ hiểu, dễ thuộc. Bởi mỗi học sinh đều có cách tiếp thu và nhớ bài riêng bằng hình ảnh, ngôn từ, hoặc học bằng thực hành – trải nghiệm.
Bạn liệu có nhận thấy kẻ thù số 1 làm chậm sự phát triển của ngôn ngữ và tư duy toán học chính là chơi máy tính và điện thoại thông minh quá nhiều? Bạn đã tìm tìm cách đặt câu hỏi giúp con tư duy, gợi ý giúp con tìm giải pháp? Đó là cách bạn trao quyền cho con tự học.
Một phụ huynh mở trường quốc tế có chia sẻ với tôi “Đi làm từ thiện, học sinh không ngần ngại bất cứ điều gì. Ấy thế mà về đến nhà lại được mệnh danh là “trẻ bại liệt” vì chúng chẳng động chân tay đến bất cứ việc gì.” Tôi tin những học sinh đó rất năng động nhưng có chăng là ở gia đình chưa có nguyên tắc cơ bản và ổn định là “hãy làm đi con”.
Trong một bữa tiệc của người thân, con sẽ cảm thấy hãnh diện thế nào khi được cùng làm với các cô chú và nhận được sự ghi nhận từ họ. Liệu gia đình đã coi con như là một nguồn lực lao động cùng dọn dẹp, nấu ăn và tự chăm sóc bản thân. Thay chỉ cho tiền đều đặn, bạn có qui định con muốn thứ gì “hãy lao động đi”. Vì chỉ có lao động con mới biết giá trị của đồng tiền và mới tìm cách quản lý tiền bạc để mua những thứ mình muốn.
Giá trị cộng đồng
Khi con càng phát triển chúng cảm nhận rõ chúng muốn ở đâu và muốn mình là ai? Những bạn trẻ xung quanh con có cơ hội tham gia, phục vụ, tiên phong và tự ra quyết định trong cộng đồng?
Nếu lời giải đáp câu hỏi này không phải luôn tìm được hoặc không đủ sở cứ, thì bạn sẽ chờ xem thời gian trả lời. Nhưng rốt cục bạn hãy nhớ lại mình cảm thấy thế nào thời còn trẻ khi người lớn không bao giờ xem trọng bạn và ý kiến của bạn không có giá trị gì. Lúc đó chúng ta mới hiểu mọi người đều có tiếng nói riêng của mình.
“Bên cạnh chăm sóc về mặt tâm lý, sức khỏe, tình yêu thương, giá trị trao quyền cho con là nhân đôi niềm vui, hy vọng, và cùng xây dựng các mối quan hệ xung quanh” .
Theo Nguyễn Đình Sơn/Giaoduc.net.vn