Học sinh nhiều nơi bỏ lớp


          Đầu năm học mới, nhiều học sinh ở các tỉnh bỏ học để làm thuê hoặc vì đường đi lại khó khăn. Có trường đã rơi vào nguy cơ xóa sổ vì quá ít học sinh
          Đã khai giảng năm học mới nhưng gần 20 em nhỏ ở xóm Ngụ cư của xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai hằng ngày vẫn quanh quẩn với rẫy điều. Xóm biệt lập với các khu dân cư bên kia con suối, ngay cả tên xóm cũng mới do người dân tự đặt. Dăm ba ngày, để đến được chợ mua thức ăn, người dân phải đu dây qua suối. Đấy cũng là trở ngại của học sinh khi đến trường. Cuộc sống ấy đã kéo dài hơn 4 năm kể từ khi 15 hộ dân từ tỉnh Cà Mau đến đây để làm thuê.

          Phải đu dây vượt suối, không tiền đò qua sông

          Trong xóm Ngụ cư, cả bốn chị em của Quách Trung Nguyên đều không đi học. Người học cao nhất trong gia đình là Quách Thị Xiên (14 tuổi) nhưng cũng chỉ tới lớp 2. “Từ khi lên đây, em nghỉ học ở nhà coi em cho ba mẹ đi làm thuê. Ba đứa em chưa đứa nào được đi học” - Xiên tâm sự. Em Đinh Ngọc Hà (14 tuổi, cũng ngụ cùng xóm) học hết lớp 4 thì theo cha mẹ lên đây ở. “Em vẫn đọc được chữ nhưng phải đánh vần mãi. Mấy năm nữa chắc quên mặt chữ” - Hà buồn bã.


Đu cáp treo qua suối đến trường ở xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Ảnh: Hoàng Thanh

          Theo bà Hồng Thị Anh (54 tuổi, ở xóm Ngụ cư), người lớn hằng ngày đi làm thuê, trẻ em do không có giấy tờ, hộ khẩu, quá xa trường, đi lại khó khăn nên không đi học, nhất là phải đu dây qua suối, rất nguy hiểm.

          Nhiều năm qua, học sinh của Trường Tiểu học 2 Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vẫn phải vượt gần 10 km đường sông để đến trường. Ông Trần Phi Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Tam Giang Tây, cho biết trường có 267 học sinh, trong đó hơn 50 em là diện con hộ nghèo. Đầu năm học này, các lớp đều vắng khoảng 1/3.

          Trước đây, nhằm ngăn tình trạng học sinh bỏ học vì đi lại khó khăn, từ năm 2008, tỉnh Cà Mau có chủ trương vận động hỗ trợ tiền đò cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hai năm gần đây, tỉnh không hỗ trợ tiền đò nữa. Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau cho biết: “Qua nhiều năm, nhận thấy việc hỗ trợ tiền đò không mang lại hiệu quả, học sinh vẫn bỏ học. Do đó, chúng tôi chủ trương chuyển sang hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền thuê nhà cho học sinh THPT ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

“Học rồi có làm gì đâu!”

          Tại tỉnh Phú Yên, những năm học gần đây số học sinh bỏ học nhiều tập trung ở vùng ven biển. Đầu năm học mới này, Trường THCS Kim Đồng (xã An Hải, huyện Tuy An) có hơn 200 học sinh nhưng hiện 5 học sinh không đến lớp, chủ yếu là học sinh lớp 8 và lớp 9. Theo ông Lê Văn Lai, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, gia cảnh những học sinh này không phải là quá khó khăn nhưng không xem trọng việc học cùng với việc ham làm kiếm tiền nên không chịu ra lớp. “Chúng tôi đã cử giáo viên hằng ngày đến gia đình vận động nhưng các em đều đã đi biển, làm thuê, không có ở nhà” - ông Lai cho biết. Đỗ Ngọc Sơn (lớp 8, ngụ thôn Phước Đồng, xã An Hải) là một trong số những học sinh bỏ học để đi biển. Mỗi khi đi biển về, thấy giáo viên đến nhà vận động là em trốn. Khó khăn lắm giáo viên mới tiếp xúc được. “Học rồi có làm gì đâu! Ở đây nhiều anh chị học đến lớp 12 rồi cũng đi biển vậy” - Sơn nói.

          Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, những năm trước, cứ nghỉ hè thì xã này lại “rơi rụng” vài học sinh. Dù có vận động mấy thì số học sinh này cũng không trở lại lớp. Gia đình khó khăn nghỉ học đã đành nhưng có người khấm khá vẫn cho con nghỉ học.

          Tại tỉnh Đắk Lắk, Trường Tiểu học Phú Lộc II (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) hiện mới nhận được 7 học sinh vào lớp 1. Trường có 13 phòng học, 3 điểm trường nhưng vừa phải xóa một điểm vì không có học sinh lớp 1 nào. Hiện toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên nhưng chỉ có 68 học sinh các lớp.

          Ông Mai Văn Khát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lộc II, cho biết từ năm 2011, số lượng học sinh lớp 1 của trường giảm dần từng năm, đến năm 2014 chỉ có 21 học sinh và năm nay chỉ được 7. “Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do một số gia đình trong xã có điều kiện kinh tế nên gửi con em ra thị trấn, thành phố học hoặc gửi sang xã khác vì thuận tiện đi lại” - ông Khát nói.

          Tin từ ông Nguyễn Xuân Bảy, Phó Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng: Ngoài Trường Tiểu học Phú Lộc II, năm nay Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Phú Xuân) cũng chỉ có 22 học sinh vào lớp 1 nên sắp tới sẽ đề nghị huyện xóa 2 trường này để chuyển học sinh ra học tại trường chính của xã.

          TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Sở đã chỉ đạo gắt gao về việc vận động học sinh ra lớp đầu năm học mới. Cụ thể, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm hằng ngày đến nhà từng học sinh bỏ học để vận động, hỗ trợ trang thiết bị đồ dùng học tập nếu gia đình quá khó khăn, bồi dưỡng nếu học sinh yếu kém để các em không chán dẫn đến bỏ học”.

Bỏ học vì làm theo bạn bè

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo ông Lê Đình Phong, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Vang, sau lễ khai giảng, trường có 34 học sinh bỏ học, trong đó có 31 học sinh theo cha mẹ vào các tỉnh miền Nam hoặc sang Lào làm ăn, học nghề. Số học sinh này hầu hết mới xong lớp 7. Ông Trần Công Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Vinh Xuân, nói sau khai giảng, 12 học sinh bỏ học. Trước đó, trường đã thông qua chính quyền địa phương, gia đình vận động được 3 em có ý định bỏ học quay lại trường.

Tại Trường THCS Lộc Bổn cũng có trên 30 học sinh bỏ học. Ông Phong khẳng định học sinh bỏ học không phải lúc nào cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà còn có trường hợp do làm theo bạn bè.

Q.Nhật


Theo Hoàng Thanh - Hồng Ánh - Cao Nguyên - Duy Nhân/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​