Kết nối, chuyển đối số và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 5G
- Details
- Đăng ngày 14/10/2020 Lượt xem: 3373
(Chinhphu.vn) - Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện thường niên của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU (International Telecommunication Union), sẽ chính thức diễn ra từ ngày 20-22/10, lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức trực tuyến, do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Chuyên đề 1 có chủ đề “Thu hẹp khoảng cách băng rộng: kích thích các khu vực công và tư nhân kết nối những vùng chưa được kết nối”. Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã và đang khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng hơn bao giờ hết của công nghệ kỹ thuật số trong việc kết nối để phục vụ sức khỏe, công việc, giáo dục, thông tin và liên lạc tại những thời điểm đặc biệt căng thẳng và khó khăn. Tuy nhiên, đối với những người chưa thể tiếp cận, sử dụng hoặc chưa đủ khả năng hưởng lợi từ công nghệ số, tác động của đại dịch là rất lớn.
Với khoảng cách số ngày càng rộng, các Chính phủ và khu vực tư nhân, cùng cộng đồng quốc tế cần làm thế nào để huy động các nguồn lực, đầu tư vào việc triển khai mạng, cung cấp các dịch vụ và ứng dụng nhằm thu hẹp khoảng cách số? Với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý và Giám đốc điều hành kỹ thuật của các hãng lớn, họ sẽ cùng thảo luận nội dung này tại Hội thảo chuyên đề 1.
Kỷ nguyên 5G, với tiềm năng chưa từng có trong việc tạo sức mạnh cho nền kinh tế số và chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và xã hội, đang trở thành hiện thực ở các thị trường và khu vực địa lý khác nhau.
Chuyên đề 2 với chủ đề“Bước vào kỷ nguyên 5G: Nhu cầu, triển khai và yêu cầu” sẽ thảo luận nhiều vấn đề về nội dung này. Các diễn giả từ các nhà mạng tiên phong triển khai 5G như Korea Telecom, Viettel và các hãng cung cấp thiết bị hàng đầu như Qualcomm, Nokia cùng đại diện một số cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận.
Chuyên đề 3 sẽ tập trung vào các giải pháp bảo mật và quyền riêng tư trên mạng với chủ đề “Bảo vệ thế giới của chúng ta.” Khi thế giới số ngày càng được kết nối mở rộng, thì khả năng bị tấn công mạng cũng tăng lên ở cấp độ cá nhân, ngành công nghiệp và cả quốc gia. Các vi phạm về bảo mật, cho dù là cố tình khai thác hay ngẫu nhiên, có thể dẫn đến việc lạm dụng và sử dụng sai dữ liệu, có khả năng gây nguy hiểm về tài chính, sức khỏe và cuộc sống cá nhân của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng khi đại dịch đã làm chuyển dịch rất nhiều hoạt động kinh doanh và xã hội sang hình thức trực tuyến. Các diễn giả từ các hãng đứng đầu thế giới về an ninh mạng như Kaspersky, McAfee, Microsoft, Dell... và các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, CISCO... cùng với người đứng đầu các cơ quan quản lý về an toàn thông tin sẽ cùng thảo luận các vấn đề này.
Theo Hiền Minh