Quản lý công dân bằng mã định danh
- Details
- Đăng ngày 12/10/2020 Lượt xem: 3473
Thông tin định danh của công dân được lưu trên căn cước công dân gắn chip là không thể thay đổi và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chip, hạn chế tối đa giả mạo danh tính
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Nếu được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Luật Cư trú (sửa đổi) dựa trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng sẽ có những đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.
Phương thức quản lý hiện đại
Theo đó, Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; CSDL này được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Ngoài ra, luật cũng sẽ bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu (HK), sổ HK cấp cho hộ gia đình, sổ HK cấp cho cá nhân, tách sổ HK, giấy chuyển HK, điều chỉnh những thay đổi trong sổ HK tại Luật Cư trú hiện hành.
Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - cho biết: "Luật Cư trú sửa đổi được Bộ Công an xây dựng sẽ tạo ra cơ sở pháp lý nhằm thay đổi cơ chế quản lý dân cư từ thủ công, lỗi thời, lạc hậu sang phương thức quản lý điện tử qua mã định danh cá nhân. Theo đó, mỗi người sẽ được cấp mã định danh cá nhân 12 chữ số (thẻ căn cước công dân - CCCD), mã hóa thông tin cần thiết về cá nhân, phục vụ công tác quản lý xã hội và dân cư. Theo thượng tá Quế Thu, việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư là để thay đổi phương thức quản lý cư trú đã lỗi thời, lạc hậu sang quản lý bằng công nghệ số; còn sửa đổi Luật Cư trú là tạo ra cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDL quốc gia về dân cư. Dự kiến, ngày 1-7-2021, khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì CSDL quốc gia về dân cư cũng được đưa vào vận hành.
Đại diện Bộ Công an cũng cho biết việc bỏ HK giấy không có nghĩa là bỏ việc quản lý HK mà các thông tin trong sổ HK giấy sẽ được cập nhật trong hệ thống CSDL quốc gia về dân cư. Khi CSDL quốc gia về dân cư được vận hành, công dân có nhu cầu đăng ký tạm trú, thường trú có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan công an hoặc qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Công an. "Hiện phần mềm đăng ký cư trú đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện quy trình. Khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, chúng tôi sẽ có hướng dẫn để công dân thuận lợi khi đăng ký thường trú, tạm trú" - đại diện Bộ Công an nói.
Làm thủ tục cấp mới CMND tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM.Ảnh: Hoàng Triều
Giảm thủ tục, chi phí
Theo đại diện Bộ Công an, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý cư trú sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm các thủ tục, tránh nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; việc này cũng tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước thực hiện các giao dịch hành chính cũng như quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Trước đó, đầu tháng 9, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CCCD gắn chip với chi phí ước tính 2.800 tỉ đồng, dự kiến triển khai đầu năm 2021. Theo Bộ Công an, CCCD gắn chip sẽ tích hợp thêm nhiều trường dữ liệu công dân, như thông tin về bằng lái xe, bảo hiểm hay ngân hàng. Đặc biệt, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chip là không thể thay đổi và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chip, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Trong thời gian chờ cấp mẫu mới thẻ CCCD gắn chip điện tử, người dân đang lưu hành CMND hay CCCD mã vạch vẫn sử dụng bình thường cho đến khi hết thời hiệu (chỉ CMND 9 số thì bắt buộc phải cấp, đổi mới). Theo đó, dự kiến đến tháng 7-2021, các địa phương cơ bản thay toàn bộ CMND 9 số. Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết CCCD gắn chip là một xu thế mà nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng cho công dân. Chip được sử dụng trên thẻ CCCD có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm có thể bổ sung các thông tin của các ngành, lĩnh vực khác. "Hiện các phiếu thu thập dữ liệu khu dân cư trung tâm cũng đang được gấp rút thực hiện đúng lộ trình theo phương án xóa bỏ sổ HK, sổ tạm trú để chuyển sang quản lý qua dữ liệu điện tử, bằng mã số định danh khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực.
Tại phiên họp dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ ra hiện vẫn có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang yêu cầu xuất trình sổ HK, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần vài năm nữa mới có thể hoàn thành. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần có quá trình chuyển tiếp, đến năm 2025 mới chấm dứt sự tồn tại của sổ HK. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 nhưng phải 5 năm sau mới bỏ được sổ HK thì "không phù hợp". Theo ông Uông Chu Lưu, Bộ Công an, các cấp cần chỉ đạo quyết liệt xây dựng mã số định danh cá nhân, CSDL... để đến trước tháng 7-2021 cơ bản phải xong.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định khi luật này có hiệu lực thi hành, sẽ chuyển toàn bộ việc quản lý cư trú sang phương thức mới, sổ HK và sổ tạm trú hết giá trị.
Thủ tục lạc hậu thì phải bỏ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ đề xuất của Chính phủ và Bộ Công an, không kéo dài thời gian chuyển tiếp tới năm 2025. Theo Chủ tịch Quốc hội, quyền tự do cư trú đã được quy định, cần bỏ những thủ tục, giấy tờ lạc hậu. "Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám vào những cái cũ như sổ/quy định tạm trú, tạm vắng mà có quản được đâu. Giảm bớt thủ tục cho dân, cái gì tiến bộ, thuận tiện, hiện đại cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà" - Chủ tịch Quốc hội nói. |
Theo Nguyễn Hưởng
https://nld.com.vn/cong-nghe/quan-ly-cong-dan-bang-ma-dinh-danh-20201010203244292.htm