Hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch chất lượng cao tại Long An
- Details
- Đăng ngày 04/05/2018 Lượt xem: 2872
Ngày 18-4-2018, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An tổ chưc hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch chất lượng cao tại Long An. Tham dự hội thảo có: ông Lê Quang Đức – Phó GĐ Trung tâm Đào tạo Du lịch – Dịch vụ, Bộ Văn hóa Thể thao-Du lịch; ông Huỳnh Thanh Phong – Phó GĐ Sở GDĐT Long An; đại diện Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Long An cùng đại diện các công ty du lịch, Viện khoa học tại TP Hồ Chí Minh, đại học Canberra (Úc) cùng đại diện các trường THPT các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
PGS.TS -Lê Đình Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo
Về phía trường DLA, Hội thảo có sự hiện diện của TS. Lê Thị Kim Yến – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Đình Tuấn – Phó Hiệu trưởng Thường trực, PGS.TS Nguyễn Đăng Dờn – Phó Chủ tịch thường trực HĐ KH&ĐT cùng các Phó hiệu trưởng, trưởng các phòng, khoa, ban, trung tâm, tạp chí và đông đảo sinh viên các ngành, các khóa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Đình Tuấn nêu lên những tiềm năng của phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An với nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Du lịch để phát triển những lợi thế của mình để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với những lợi thế mà mình có được, bài toán đặt ra cho các cơ sở đào tạo đặc biệt là đào tạo ngành Du lịch cần phải có nhiều biện pháp để cung ứng cho các công ty, doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng và các dịch vụ đi kèm đóng góp vào nguồn thu của ngân sách của tỉnh. Đáp ứng xu thế đó, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An được Bộ GDĐT đồng ý cho phép tuyển sinh ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trong mùa tuyển sinh 2018.
Trường DLA và công ty CPTM Du lịch Sài Gòn Bình Minh ký kết biên bản ghi nhớ tiếp nhận sinh viên thực tập dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ VHTT-DL, Sở GDĐT Long An, Đại học Canberra
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tình hình về nhu cầu nguồn nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ tại Long An mà còn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tham luận tại hội thảo xoay quanh các vấn đề: Du lịch trong thời kỳ đổi mới – ThS Nguyễn Hoàng Anh Phi – Giám đốc Khách sạn Oscar; Hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch khách sạn – GS.TS Trần Quang Minh – Trường Đại học Ngoại Ngữ – Tin học Tp Hồ Chí Minh; Vai trò của ngoại ngữ trong ngành du lịch – TS. Phạm Hữu Tài – Đại học Canberra (Úc).
Theo GS.TS Trần Quang Minh, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch và liên kết hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ du lịch là điều hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho sinh viên được học tập và thực hành bám sát thực tế cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cho ngành Du lịch – ngành “công nghiệp không khói” nhiều tiềm năng phát triển trong điều kiện giao lưu và quốc tế hóa kinh tế hiện nay.
Bên cạnh những kinh nghiệm đào tạo ngành Du lịch được chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo, TS. Phạm Hữu Tài – Đại học Canbera (Úc) nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với ngành Du lịch, đây là một trong các yếu tố quan trọng làm nền tảng giúp cho sinh viên hòa nhập được công việc trong thực tế và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của mình.
Ông Lê Quang Đức – Phó GĐ trung tâm Đào tạo Du lịch – Dịch vụ, Bộ VH TT-DL chúc mừng ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường
Ông Lê Quang Đức – Phó GĐ Trung tâm Đào tạo Du lịch – Dịch vụ, Bộ VH TT-DL chúc mừng ngành mới Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường, đáp ứng xu thế phát triển của ngành kinh tế tổng hợp – ngành Du lịch gắn với quá trình chuyên biệt hóa du lịch với ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết không chỉ cho Long An mà còn mở rộng ra cho khu vực, xác lập vị trí của trường trên bản đồ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Du lịch.
Quý vị đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm
Công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay của nước ta nói chung và tại các địa phương nói riêng vẫn còn khoảng cách tương đối lớn về chất lượng theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội. Để rút ngắn khoảng cách này, các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và các cơ sở đào tạo cần có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Du lịch trong thời gian tới.
Theo Ban Thông tin/Trường DLA