Triển khai dự án - xử lý lục bình
- Details
- Đăng ngày 13/07/2015 Lượt xem: 5500
Nấm rơm trồng trên nguyên liệu phối trộn giữa rơm và lục bình (trồng ngoài trời)
Trong những năm gần đây, lục bình (hay còn gọi là bèo tây) phát triển mạnh mẽ, ngoài mức kiểm soát và phủ kín nhiều sông ngòi, ao hồ và kênh rạch ở cả 2 miền Đông, Tây Nam bộ, điển hình là ở sông Vàm Cỏ đoạn qua tỉnh Tây Ninh và Long An.
Sự phát triển mạnh mẽ của lục bình đã gây nên nhiều trở ngại đối với đời sống của người dân và với hệ sinh thái.
Với khả năng sinh sản nhanh, lục bình xâm lấn làm hại hệ sinh thái thủy vực, tắc nghẽn dòng chảy, cản trở giao thông đường thủy, làm nghẽn chỗ lấy nước tưới tiêu, làm giảm sự đa dạng sinh học và nơi tiềm ẩn nhiều loại mầm bệnh,…
Chính vì vậy, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ đã được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện dự án: “Ứng dụng các kết quả khoa học và tiến bộ kỹ thuật để xử lý lục bình tại Long An”.
Hiện tại dự án đang gấp rút hoàn thiện việc trang bị máy vớt lục bình thế hệ mới nhằm triển khai vớt lục bình tại các vị trí gây tắc nghẽn giao thông thủy, số lượng lục bình nhiều. Đối với với các khu vực kênh rạch nhỏ mà máy vớt không vận hành được hoặc vận hành khó khăn, dự án sẽ huy động nguồn lực từ dân để vớt lục bình, đồng thời tham gia thực hiện mô hình làm biogas, ủ phân hữu cơ vi sinh và trồng nấm rơm từ công thức phối trộn rơm rạ và lục bình.
Trồng nấm rơm từ giá thể lục bình và phối trộn với rơm rạ với quy trình đơn giản dễ áp dụng. Lục bình có khả năng giữ ẩm tốt nên giảm được công tưới, chất lượng nấm và năng suất cao hơn so với trồng nấm rơm bằng nguyên liệu rơm truyền thống.
Lục bình là sản phẩm sinh học có sinh khối lớn. Thành phần hóa học của lục bình bao gồm: Nước - 92,6%, cellulose - 22%, protein - 2,9%, hydrat carbon - 0,9%, khoáng tổng số - 1,4%. Khi triển khai thực hiện các mô hình tại Long An, lục bình được dùng làm nguyên liệu 100% hoặc phối trộn chất thải từ chăn nuôi heo, bò,… cho công nghệ hầm ủ biogas tạo ra sản phẩm để sử dụng trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí chất đốt, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn.
Ngoài ra, lục bình cũng được sử dụng để ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học chứa thành phần chính gồm nấm Trichoderma spp và các xạ khuẩn Streptomyces spp và vi khuẩn Bacillus sp. Để nâng cao hiệu quả ủ và chất lượng phân, lục bình thường được phối trộn với các nguyên liệu khác như phân gia súc, gia cầm và tro bếp. Đây là mô hình dễ áp dụng, tốn ít công lao động nhưng tạo ra sản phẩm phân bón chất lượng tốt, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hiện tại, Ban Chủ nhiệm dự án đang tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các mô hình tại hầu hết các huyện tham gia thực hiện dự án như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường,… Được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ Phòng Kinh tế Hạ Tầng, Phòng NN&PTNN các huyện, thị xã và nông dân, dự án hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả tích cực./.
Theo KS. Đỗ Minh Tấn/Báo Long An online