4G, người dùng có được lợi hơn?
- Details
- Đăng ngày 02/10/2015 Lượt xem: 3398
Thời điểm triển khai 4G rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả đầu tư. Nếu đi chậm sẽ tụt hậu; nếu đi quá sớm thì có thể lỡ mất một nhịp công nghệ, không đón đầu được công nghệ tốt nhất… Với lý lẽ đó, hiện các nhà mạng đã rục rịch 4G thì có nghĩa thời điểm đã đến. Khi đã đến, người dùng 4G sẽ là ai và họ sẽ dùng gì với 4G - đây là vấn đề có tính quyết định với công nghệ mới này.
Nhà mạng đã “vào trận”
Đến hôm nay, ba nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã có những động thái và “tuyên bố cho thế hệ 4G của mạng di động”. Như vậy cần thấy rằng trước đó, các nhà mạng đã có những bước chuẩn bị.
Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng này sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G vào tháng 10-2015. Tuy nhiên, khi sử dụng mạng 4G thì người dùng mạng Viettel phải đổi SIM mới có thể dùng được. Viettel là nhà mạng đầu tiên công bố chuyện 4G và trước mắt phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, đến cuối 2015, Viettel ước tính sẽ phủ 12.000 trạm 4G trên toàn quốc.
Không lâu sau khi Viettel công bố 4G, nhà mạng VinaPhone cũng đưa ra thông báo sẽ cung cấp dịch vụ 4G ngay trong tháng 10 này hoặc chậm nhất là tháng 11 năm nay. Trong thông tin của VinaPhone đưa ra, điểm khác biệt quan trọng của nhà mạng này là người dùng không cần phải thay SIM mới. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho VinaPhone lẫn người dùng.
Trong khi đó, MobiFone hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về việc cung cấp dịch vụ 4G. Chỉ có thể nói rằng, nhà mạng này đã có kế hoạch 4G đã được thông qua bằng lộ trình từng giai đoạn. Đại diện MobiFone cho biết, phương án triển khai 4G LTE trên băng tần 1800MHz tại các thành phố lớn để tăng trưởng data, doanh thu và sẽ được tập trung ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… vốn là lợi thế của MobiFone.
Cũng không thể bỏ qua, Vietnamobile cũng là nhà mạng di động có thị phần nhất định tại Việt Nam, được xem là nhà mạng có tốc độ cao và gói cước rẻ về dữ liệu, chạy khá ổn tại các đô thị lớn. Nhà mạng này hiện chưa có bất cứ động thái và kế hoạch nào cho 4G tại thị trường Việt Nam. Nhưng cũng cần nhớ rằng, đây là một liên doanh giữa Hutchison và Hanoi Telecom, vốn có nhiều kinh nghiệm triển khai 4G tại thị trường khác, nên có thể việc triển khai 4G với Vietnamobile tại thị trường Việt Nam không khó về công nghệ, kinh nghiệm mà vấn đề nằm ở lượng thuê bao.
Giá trị nào cho người dùng?
Đây là một câu hỏi lớn với người dùng di động hiện nay. Với các ứng dụng căn bản như web, nghe nhạc online, mạng xã hội, email… thì 3G căn bản giải quyết được. Nhưng đòi hỏi của người dùng ngày càng cao hơn, đó là truyền hình, video HD, hội họp trực tuyến… luôn đòi dữ liệu lớn, băng thông rộng. Chính vì thế, 4G cũng cần thiết - nhất là khi 4G hiện nay có băng thông rộng lớn hơn gấp nhiều lần so với 3G, sẽ cho phép truyền tải các dữ liệu cực nhanh, âm thanh chất lượng cao và hình ảnh sắc nét theo chuẩn HD cao nhất, đem đến cho người dùng những trải nghiệm tức thời và khác biệt giải trí trên nền công nghệ 4G.
Công nghệ 4G mang lại nhiều giá trị mới, nhưng đối tượng người dùng thực thụ
mới có ảnh hưởng trực tiếp đến nhà mạng
Ở góc độ thương mại, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng, nếu nhà mạng triển khai 4G sẽ có rất nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn nhà mạng. “Lợi ích 4G cho các nhà mạng rất lớn, vì nó mang lại một trải nghiệm mới cho người dùng và tốc độ truyền tải dữ liệu rất cao, tốc độ tải từ 10 đến 20 lần so với 3G. Giá thành của một gigabye, một megabyte dữ liệu trên mạng 4G đối với nhà mạng của 4G thấp hơn 3G, do đó nếu bán cho khách hàng thì lợi nhuận nhà mạng khi dùng 4G sẽ cao hơn 3G”, ông Nam nhấn mạnh như vậy.
Thêm yếu tố cho thấy 4G không “khó” với người dùng, đó là đã có kinh nghiệm khi dùng 3G và thêm một lợi thế nữa là thiết bị đầu cuối từ trung cấp đến cao cấp đều thích ứng với 4G. Tức là khi nhà mạng triển khai mạng 4G, người dùng đã có thể sử dụng ngay chứ không phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, làm quen… như thời 3G. Tuy nhiên cần nhắc lại, nếu nhu cầu của người dùng hiện nay mới chỉ dừng ở lướt web, gửi email, sử dụng mạng xã hội… thì 3G cũng đã làm tốt nhiệm vụ này. Vậy thì muốn kích thích người dùng 4G, rất cần các dịch vụ khác. Điều này, riêng bản thân nhà mạng không thể làm được mà còn phụ thuộc nhiều đơn vị làm nội dung nữa, nhất là các dịch vụ liên quan đến điều khiển thông minh, hỗ trợ quản lý trực tuyến. Cho nên, giá trị cho người dùng là một trong những yếu tố mà nhà mạng phải “đau đầu” khi triển khai 4G.
Với những giá trị ưu việt về công nghệ 4G mang lại, không ít thì nhiều đã mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường di động. Trong đó, với các thông tin ban đầu như Viettel sẽ không có giá cước riêng cho dịch vụ 4G, mà sẽ áp dụng mức giá duy nhất cho dịch vụ internet di động (điều này có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn giá cước 3G ở thời điểm hiện tại). Hay các thông tin khác cho thấy giá cước 4G của VinaPhone sẽ tương đương với cước 3G hiện nay… rất dễ lấy lòng người dùng. Nhưng điều này chưa phải là một sự chắc chắn, vì vẫn phải chờ đến khi nhà mạng công bố gói cước, giá cước 4G thì mới “cân, đong, đo, đếm” được là người dùng có thực sự hưởng đúng giá trị công nghệ và hưởng lợi từ công nghệ mới tạo ra hay không. |
Theo BÁ TÂN/SGGP Online