Những điểm nhấn trong kỳ thi quốc gia năm nay
- Details
- Đăng ngày 26/06/2017 Lượt xem: 3577
(GDVN) - Kỳ thi quốc gia năm nay đã kết thúc và không để xảy ra những sự cố quá nghiêm trọng, đây có thể xem là một thành công của Bộ Giáo dục cũng như của toàn xã hội.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đã kết thúc và không để xảy ra những sự cố quá nghiêm trọng, đây có thể xem là một thành công của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của toàn xã hội.
Kỳ thi năm nay đã giải tỏa được những áp lực về kinh tế trong việc đi lại cho các vị phụ huynh và học sinh. Ngành giáo dục, các trường đại học cũng giảm tải được những tốn kém, lãng phí về việc bố trí nhân sự, cơ sở vật chất và lượng thí sinh ảo như mấy năm trước đây.
Hình ảnh các thí sinh vui mừng vì kết quả làm bài thi tốt. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Sau khi kỳ thi quốc gia kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo đồng thời ghi nhận được một số điểm nhấn nổi bật:
Các thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp khoa học xã hội tăng cao hơn so với mọi năm, chiếm hơn 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 514.084 (59,32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Đây thực sự là một tín hiệu mới, đáng mừng vì môn Lịch sử từ năm 2016 về trước số lượng thí sinh đăng ký dự thi chưa đến 15%.
Những ngày diễn ra kỳ thi, số lượng vi phạm của giám thị và thí sinh xảy ra ít hơn rất nhiều so với các năm trước. Cả đợt thi chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế và 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 trường hợp).
Với hình thức thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh sẽ được phát một mã đề riêng nên đã hạn chế tối đa việc vi phạm quy chế và đảm bảo tính khách quan cho cả kỳ thi.
Điểm thi đặt tại các địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp cho các em có được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn; các vị phụ huynh giảm bớt được lo lắng khi phải di chuyển xa, tìm chỗ ăn ở như mọi năm.
Thời gian thi được rút ngắn giúp cho các thí sinh đỡ vất vả, công tác tổ chức thi trở nên nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn suốt cả kỳ thi không xảy ra tình trạng quá tải như mọi năm.
Trong những ngày thi, mọi hoạt động ở các địa phương diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng nhiều, khác với cảnh đi lại ùn tắc như trước đây…
Cũng trong kỳ thi, đội ngũ sinh viên của các trường đại học tiếp tục làm tốt vai trò “tiếp sức mùa thi”, có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã thể hiện những tấm lòng cao đẹp như: cho các em thí sinh và phụ huynh ở miễn phí buổi trưa để nghỉ ngơi, phát cơm từ thiện cho các em ở xa.
Những học sinh không may bị khuyết tật, tai nạn được các thầy cô, công an và đội ngũ sinh viên chăm sóc, đưa đón đến tận phòng thi…Những nét đẹp đó càng tô đậm thêm sự đồng thuận của xã hội và góp phần vào sự thành công của mùa thi năm nay.
Kỳ thi năm nay, chúng ta còn thấy một điều đáng mừng nữa là số lượng thí sinh dự thi rất cao. Đặc biệt, trong các đề thi đã có sự phân hóa rõ ràng, nhất là các môn thi tổ hợp. Vì thế, những em có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học bắt buộc phải đạt điểm cao mới đủ điều kiện.
Các hội đồng thi làm việc nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng tiêu cực như một số điểm thi tốt nghiệp của các năm về trước, củng cố được niềm tin của xã hội về công tác tổ chức kỳ thi.
Công tác ra đề thi năm nay, đáng tiếc nhất là đối với môn Ngữ văn trong phần đọc hiểu, khi mà tổ ra đề đã lấy đoạn ngữ liệu chưa đủ độ tin cậy về từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp nên tạo ra nhiều ý kiến trái chiều đối với đề thi môn học này.
Môn Ngữ văn việc ra đề chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi, có cẩn thận đến bao nhiêu vẫn sẽ có những cách hiểu khác nhau. Vì thế, Bộ Giáo dục nên có sự bố trí người ra đề và người phản biện cẩn thận hơn trong những kỳ thi sau.
Việc kết hợp giữa kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 và kỳ thi đại học thành kỳ thi quốc gia, trong hai năm vừa qua đã và đang tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Bởi, kỳ thi quốc gia đã giúp giảm được chi phí cho nhân dân, áp lực thi cử cho các em học sinh.
Và, chắc chắn từ sự thành công, cũng như một vài sự cố trong kỳ thi năm nay, mong rằng những năm tiếp theo Bộ sẽ có điều chỉnh phù hợp, thuận lợi cho các thí sinh ,giảm tải cho xã hội để tiến tới một kỳ thi ít tốn kém, nhẹ áp lực mà vẫn đảm bảo được chất lượng đầu vào cho các trường đại học, cao đẳng.
Theo Nhật Duy/Giáo dục Việt Nam