Người bắc cầu tri thức
- Details
- Đăng ngày 18/02/2016 Lượt xem: 4131
Đó là nhà vật lý Phạm Quang Hưng. Theo ông, sinh viênViệt Nam nếu được học hành tử tế thì không hề kém cạnh sinh viên Mỹ
Cuối tháng 12-2012, tôi đến TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định dự Gặp gỡ Việt Nam. Một chiều nắng dịu, GS Phạm Quang Hưng và 3 cô nghiên cứu sinh cùng tôi ngồi uống cà phê trên sân thượng tầng 12 khách sạn Hải Âu. Ông vui vẻ kể về những ngày đầu đến Huế, dạy chương trình Vật lý tiên tiến vào tháng 1-2007:
- Các em sinh viên tuổi mới 18-20. Một tháng sau, ngồi uống trà ở quán Vỹ Dạ Xưa, tôi hỏi các em cảm thấy thế nào khi nghe tôi nói tiếng Việt. Một sinh viên tủm tỉm cười trả lời, giọng Huế dễ thương: “Em nghe thầy nói tiếng Việt cứ y như... ông nội em!”.
GS Phạm Quang Hưng (bìa phải) và nhà báo Hàm Châu tại một sự kiện khoa học.
(Ảnh do tác giả cung cấp)
- Nghĩa là thế nào? - tôi tò mò.
- Em ấy muốn nhận xét tôi dùng thứ tiếng Việt cũ, lổn nhổn từ Hán Việt.
- Anh có thể nêu lên vài thí dụ?
- Chẳng hạn, tôi bảo: “Sáng mai, thầy phải ra phi trường đi Hà Nội”. Sinh viên ấy cho biết nay chỉ còn ông nội em nói phi trường chứ lớp trẻ thì đều gọi là sân bay. Hay khi tôi bảo: “Ở bên Nữu Ước, Cựu Kim Sơn (New York, San Francisco) có đông người Mễ di cư lắm”. Các em hỏi lại: “Người Mễ là người xứ nào?”. Tôi trả lời: “Người Mễ Tây Cơ”. Các em vẫn không hiểu! Tôi phải nói tiếng Anh: Mexico. Nói đến các nước châu Mỹ, tôi quen dùng những từ xưa như Gia Nã Đại, A Căn Đình, Ba Tây, Trí Lợi... mà nay trong nước nhiều báo viết theo tiếng Anh là Canada, Argentina, Brazil, Chile...
Theo GS Phạm Quang Hưng, tài năng sinh viên Việt Nam không thua kém sinh viên Mỹ
nếu được bồi dưỡng đúng cách.Ảnh: ASIA PACIFIC COLLEGE
- Thế thì đúng là thứ tiếng Việt của “ông nội” các em. Thứ tiếng Việt ấy đã... “hóa thạch” rồi, anh ơi!
- Thế còn bây giờ tiếng Việt của tôi ra sao rồi?
- Bây giờ thì anh thành “thổ công” rồi. Anh đọc cả Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, một cây bút dùng phương ngữ Nam Bộ rất tài.
Sau một hồi trò chuyện lan man về tiếng Việt, GS Phạm Quang Hưng quay sang giới thiệu 3 cô nghiên cứu sinh ngồi cùng. Họ đều là những “hạt nhân” trong nhóm Vật lý năng lượng cao mà GS Trần Thanh Vân và ông đang gầy dựng cho Việt Nam.
Nguyễn Thị Diện, quê Thanh Hóa, là một “thành quả sống” của chương trình Vật lý tiên tiến. Cô tốt nghiệp thủ khoa khóa I tháng 7-2010, được ĐH Virginia (Mỹ) cấp học bổng sang Mỹ viết luận án tiến sĩ, bỏ qua bậc thạc sĩ. GS Hưng giao cho Diện đề tài “The electroweak-scale right handed neutrino model” (Mô hình neutrino thuận, thang điện - yếu). Cùng khóa với Diện còn có Nguyễn Trọng Hùng và Hoàng Văn Vinh cũng làm luận án tiến sĩ ở ĐH này. Sau Diện và Hùng, hai bạn khóa II và khóa III vừa kết thúc năm đầu nghiên cứu sinh. Tháng 8-2013, lại thêm 2 người nữa tới ĐH Virginia học lên.
Còn Nguyễn Như Lê, người Huế thì không phải sinh viên vật lý tiên tiến vì ngay từ năm 2006, cô đã là trợ giảng. Tuy nhiên, cô cũng được GS Hưng nhận làm người hướng dẫn chính và sắp bảo vệ luận án tiến sĩ về một đề tài cũng rất hiện đại: “Properties of fermions in the electroweak - scale right handed neutrino model” (Các tính chất của fermion trong mô hình neutrino thuận, thang điện - yếu).
Ngồi giữa Diện và Lê là Trần Hương Lan ở ĐH Paris 11 (Pháp), được trường này cử sang thực tập tại Phòng Thí nghiệm ATLAS ở Geneva - Thụy Sĩ. Trong phiên họp sáng hôm ấy, tôi đã nghe Lan trình bày bản báo cáo sốt dẻo “Search for heavy quarks with ATLAS detector” (Tìm kiếm những quark nặng với detector ATLAS). Đó là đề tài luận án tiến sĩ cô sắp bảo vệ ở Pháp và GS Hưng được mời làm người phản biện.
GS Phạm Quang Hưng cho biết năm 2006, ông về Hà Nội dự Gặp gỡ Việt Nam, gặp mấy vị lãnh đạo ĐH Huế. Khi ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chủ trương mở các chương trình tiên tiến về một số ngành ở bậc ĐH. ĐH Huế được chọn thực hiện chương trình Vật lý tiên tiến. Chương trình nhằm đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu nòng cốt cho Việt Nam, rút ngắn khoảng cách về vật lý học giữa nước ta và các nước tiên tiến.
Sinh viên học thẳng bằng tiếng Anh, theo chương trình vật lý của ĐH Virginia, chủ yếu do các giáo sư nước ngoài - phần lớn từ Mỹ - đến dạy. Để có kỹ năng tốt về nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh, họ được học thêm 500 tiết ngoại ngữ này. Trường xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện đủ sách và tạp chí chuyên ngành cập nhật.
GS Phạm Quang Hưng được mời làm điều phối viên chương trình này. Ông đã mời hơn 30 lượt giáo sư, tiến sĩ từ Mỹ và các nước phát triển khác đến Huế giảng dạy. Khóa I tốt nghiệp tháng 7-2010 có 1 xuất sắc, 13 giỏi, 11 khá. Hầu hết được học tiếp sau ĐH ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc được học thêm ngay tại Huế. Khóa II có 4 tốt nghiệp xuất sắc, còn lại đều là giỏi và khá. Dương Thị Diễm My đỗ thủ khoa, rồi đỗ đầu kỳ thi vào hệ sau ĐH của NIMS (Nhật Bản). Trần Duy Tiến cùng lúc giành được học bổng của Ý và Hàn Quốc. Ngô Thị Thanh Thủy đỗ đầu kỳ thi chương trình học bổng ĐH Osaka (Nhật Bản).
Nhiều sinh viên khác nhận được học bổng toàn phần để du học: Trần Duy Tiến (Ý), Nguyễn Trường Vũ (Caltech - Mỹ), Tôn Nữ Thị Nguyện và Lê Anh Quang (ĐH Virginia), Ngô Thị Thanh Thủy (ĐH Osaka). Đỗ Thị Nga, Nguyễn Châu Phương Thi, Trần Ngọc Thanh Thủy theo học thạc sĩ tại ĐH Quốc lập Thành Công ở lãnh thổ Đài Loan. Ngoài ra, còn có 5 sinh viên của chương trình này được cử đi giao lưu khoa học ngắn hạn tại Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc...
Tôi hỏi GS Phạm Quang Hưng:
- Anh nhận xét ra sao về những sinh viên Huế theo chương trình Vật lý tiên tiến?
- Các em đạt kết quả vượt xa những gì tôi và các đồng nghiệp nước ngoài mong đợi. Sinh viên ĐH Virginia suốt ngày nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh, còn các em ở Huế thì chỉ dùng tiếng Anh trong giờ học các môn chuyên đề. Bài thi ra như nhau, thế mà sinh viên Huế làm không thua kém sinh viên ĐH Virginia. Đã đành các em của ta chăm chỉ nhưng nếu không sáng dạ thì cũng không học được giỏi như thế.
“Bến đỗ" êm đềm Sáng 5-6-2010, ĐH Huế đã tổ chức lễ tặng danh hiệu Giáo sư Danh dự cho nhà vật lý Phạm Quang Hưng. PGS-TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, nhận xét: “GS Hưng là một nhà khoa học tâm huyết với giáo dục Việt Nam, là cầu nối giữa ĐH Huế với một số ĐH quốc tế trong những chương trình vật lý... Anh tạo được uy tín cao trong các đồng nghiệp quốc tế; gần gũi, hòa đồng với sinh viên, được các em hết sức kính trọng và yêu thương”. GS Hưng sinh năm 1950 tại Ninh Bình, trong một gia đình công chức. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1978, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH California ở Los Angeles - Mỹ. Tính đến nay, ông đã công bố hơn 100 công trình. Hoàn thành chương trình sau tiến sĩ tại Fermilab và Berkeley, ông đến giảng dạy tại ĐH Virginia. Ông được bổ nhiệm phó giáo sư năm 1987, rồi giáo sư năm 1995… Năm 2011, Trường Mùa hè BCVSPIN mở khóa học về vật lý hạt và vũ trụ học tại Huế. BCVSPIN là tên tiếng Anh viết tắt của các nước Bangladesh, China, Vietnam, Sri Lanka, Pakistan, India, Nepal. GS Phạm Quang Hưng được mời làm đồng giám đốc trường này. Trường thu hút 46 học viên Việt Nam và 25 học viên nước ngoài. 17 nhà vật lý có uy tín cũng nhận lời mời đến Huế giảng bài. Thế là sau hơn nửa đời người trôi dạt, GS Hưng đã chọn “bến đỗ” bên dòng Hương êm đềm… |
Theo Hàm Châu/Nld.com.vn