Hãy tạo cho học sinh sự hứng thú khi học tiếng Anh!
- Details
- Đăng ngày 10/10/2016 Lượt xem: 2701
Mặc dù được học tiếng Anh từ rất sớm, nhưng đa số học sinh (HS) vẫn gặp nhiều khó khăn với môn học này. Có những HS bị mất căn bản ngay từ cấp học đầu và tiếp tục như vậy đến khi thi tốt nghiệp THPT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là do HS chưa tìm được sự hứng thú khi học tiếng Anh.
Học sinh thực hành môn tiếng Anh
Học sinh vẫn "ngán" học tiếng Anh
Ngay từ khi bắt đầu tiếp cận với môn tiếng Anh, HS đã có tâm lý đây là môn học khó. Chính vì vậy, đa số HS đều sợ môn học này. Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh còn hạn chế, chương trình học nặng so với HS, phương pháp dạy của thầy cô bộ môn chưa thật sự thu hút, trang thiết bị phục vụ học tiếng Anh ở một số trường chưa được đầu tư; đặc biệt, các trường học chưa xây dựng được môi trường tiếng Anh cho HS. Những khó khăn đó đã dẫn đến tình trạng HS không hứng thú với môn tiếng Anh.
Cô Nguyễn Thị Bích Dung, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) chia sẻ: Tiếng Anh vốn là môn học khó, thế nên HS phải thật sự yêu thích hoặc chăm chỉ học tập mới có thể giỏi môn học này. Tuy nhiên, đa số HS vẫn chưa tìm được sự hứng thú, tiếp thu bài chậm, một số HS mất căn bản ngay ở cấp học dưới nên các em "ngán" học tiếng Anh. Vì vậy, việc dạy tiếng Anh càng thêm khó khăn.
Học sinh lên bảng làm bài tập môn tiếng Anh
Cơ sở, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học môn tiếng Anh còn hạn chế; nhiều trường vẫn còn thiếu laptop, máy chiếu, bảng tương tác thông minh, hệ thống âm thanh, máy nghe đĩa CD,... để phục vụ dạy tiếng Anh hiệu quả; trong khi đó, từ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai đầy đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) trong bài kiểm tra của HS. Vì vậy, ở các trường THPT, gánh nặng môn tiếng Anh càng thêm lớn. Giáo viên vừa dạy HS phát triển 4 kỹ năng, vừa đẩy mạnh ôn tập phần đọc hiểu và viết câu, đáp ứng nhu cầu thi THPT quốc gia. Chương trình dạy và học càng thêm nặng, HS lại càng "ngán" học.
Em Huỳnh Minh Trung, HS lớp 12A4 bộc bạch: Với em, môn tiếng Anh là môn học khó, quá nhiều từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và cách phát âm cũng rất khó. Ngoài ra, em cũng không có nhiều điều kiện thực hành nên dễ bị quên từ vựng đã học. Tuy nhiên, năm nay, em thi THPT quốc gia nên phải cố gắng hết sức mình với môn học này, đặc biệt là rèn luyện phần viết và đọc hiểu.
Cần tạo sự hứng thú cho học sinh
Những khó khăn tồn tại trong việc dạy và học tiếng Anh vẫn luôn là bài toán khó cho ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung và các trường học nói riêng. Do đó, ngành và các trường càng chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các trường điển hình về dạy và học tiếng Anh. Từ đó, nhân rộng những mô hình hiệu quả tích cực của các trường. Ngoài ra, ở tất cả các trường học, giáo viên từng bước được chuẩn hóa và đổi mới phương pháp dạy, HS được thực hành đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết không chỉ thông qua bài giảng mà còn qua các trò chơi nhằm tạo sự hứng thú khi tham gia tiết học. Giáo viên cũng sử dụng hiệu quả các trang thiết bị dạy học sẵn có như: Phòng LAB, bảng tương tác thông minh, máy nghe đĩa CD,... và áp dụng vào các tiết học, tạo môi trường học tiếng Anh thuận lợi cho HS. Riêng những HS yếu kém ở môn học này được giáo viên đặc biệt quan tâm, thường xuyên cho thực hành trên lớp. Đồng thời, nhà trường còn tổ chức phụ đạo, giúp HS lấy lại kiến thức căn bản môn tiếng Anh.
Học sinh được thực hành phần kỹ năng nghe
Cô Trương Ngọc Hân, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Trần Thế Sinh (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cho biết: Hầu hết HS đều "ngán" học tiếng Anh, do đó việc dạy rất áp lực. Giáo viên phải vừa tạo sự hứng thú, vừa bảo đảm cho các em tiếp thu đủ kiến thức cần thiết. Tôi thường tận dụng hết các trang thiết bị phục vụ dạy tiếng Anh, tạo môi trường học mới lạ nhằm thu hút các em. Có được sự hứng thú, các em cũng dễ dàng tiếp thu bài hơn.
Để tạo môi trường tốt cho việc học tiếng Anh, các trường còn thành lập câu lạc bộ tiếng Anh và động viên, khuyến khích HS tham gia. Ở câu lạc bộ tiếng Anh, không chỉ HS mà còn có sự tham gia của giáo viên với mục tiêu chính là vui chơi và trau dồi khả năng tiếng Anh. Riêng một số trường còn cho HS tiếp cận với giáo viên bản ngữ để có cơ hội thử sức mình trong thực hành môn tiếng Anh.
Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực tham gia các cuộc thi trực tuyến, Olympic tiếng Anh trên Internet, hùng biện tiếng Anh,... để HS có thêm điều kiện phát huy khả năng, trau dồi kiến thức và đặc biệt là hứng thú hơn khi học tiếng Anh.
Khi HS có được môi trường học tiếng Anh thuận lợi, được thường xuyên thực hành với nhiều hình thức khác nhau sẽ hứng thú học tập. Từ đó, chất lượng dạy và học tiếng Anh mới thật sự đạt hiệu quả./.
Theo Ngọc Sương/Báo Long An Online