Mô hình mới đào tạo bác sĩ
- Details
- Đăng ngày 30/09/2016 Lượt xem: 3525
(Chinhphu.vn) - Muốn trở thành bác sĩ, bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm, thêm 1 năm thực hành nghề nghiệp và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Đây là một điểm mới quan trọng trong dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa do Bộ Y tế đang soạn thảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, thông tin thời gian đào tạo y khoa giảm xuống còn 4 năm là chưa chính xác, mà đây chỉ là sắp xếp lại theo 3 giai đoạn. Muốn trở thành bác sĩ, bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm, thêm 1 năm thực hành nghề nghiệp và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.
Xin ông cho biết cụ thể những điểm mới trong dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Chúng tôi đã đề xuất mô hình đào tạo y khoa trong thời gian tới với những điểm thay đổi chính gồm: Phân rõ 2 hướng đào tạo trên cơ sở chia thành 3 giai đoạn; bổ sung quy định về kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề nếu đi theo hướng hành nghề khám, chữa bệnh.
Cụ thể, phân rõ 2 hướng đào tạo trên cơ sở chia thành 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Trình độ đại học - khung trình độ bậc 6. Chương trình đào tạo 4 năm, sau khi tốt nghiệp được gọi là cử nhân y khoa. Những người này nếu không muốn học tiếp (chúng tôi dự báo chỉ có một tỉ lệ thấp, dưới 5%) có thể tham gia thị trường lao động ở các vị trí không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu như: Thư ký y khoa, làm các công việc hành chính tại các cơ sở y tế, cơ quan hành chính, cơ quan quản lý... Những người muốn học tiếp (chúng tôi xác định sẽ là đại đa số) ở trình độ cao hơn để nghiên cứu, hoặc hành nghề y khoa, có thể lựa chọn theo 2 hướng ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Giai đoạn 2: Trình độ thạc sĩ và tương đương - khung trình độ bậc 7.
Nếu đi theo hướng nghiên cứu (dự báo khoảng < 5%): Học chương trình đào tạo thạc sĩ, trong đó có thạc sĩ y học. Nếu đi theo hướng hành nghề (dự báo khoảng > 95%), học chương trình y khoa khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là bác sĩ y khoa. Những người này phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp khoảng một năm và trải qua kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề với vai trò bác sĩ đa khoa.
Giai đoạn 3: Trình độ tiến sĩ và tương đương - khung trình độ bậc 8. Nếu đi theo hướng nghiên cứu, người có bằng thạc sĩ y học học chương trình đào tạo tiến sĩ y học. Nếu đi theo hướng hành nghề, người được công nhận bác sĩ đa khoa học chương trình chuyên khoa tối thiểu khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là bác sĩ chuyên khoa.
Đối với điểm mới về bổ sung quy định kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề, nếu đi theo hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chúng tôi muốn nhấn mạnh một số điểm sau: Cử nhân y khoa là một ngành riêng, không phải là cử nhân y tế công cộng hay cử nhân điều dưỡng.
Từ "tương đương" là thể hiện tương đương về trình độ, có ý nghĩa trong việc hưởng các chế độ chính sách như xếp lương, phụ cấp. Còn muốn được công nhận danh hiệu và làm việc theo hướng nào thì bắt buộc phải trải qua các chương trình đào tạo tương ứng. Như vậy có thể thấy rằng, những người có bằng thạc sĩ y học, hay tiến sĩ y học, nếu muốn hành nghề khám, chữa bệnh bắt buộc phải học thêm chương trình bác sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa và phải thi chứng chỉ hành nghề.
Muốn trở thành bác sĩ phải được đào tạo tối thiểu 6 năm, thêm 1 năm thực hành nghề nghiệp và thi quốc gia.
Ảnh: VGP/Thúy Hà
Mô hình mới này sẽ khắc phục được những hạn chế gì trong chương trình đào tạo hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, mô hình đào tạo y khoa tại Việt Nam đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, chưa thực sự hội nhập với xu hướng quốc tế. Hiện nay, chương trình đào tạo của chúng ta chưa phân biệt rõ ràng 2 hướng đào tạo (nghiên cứu và hành nghề) và cũng chưa có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ.
Chính vì vậy, trải qua nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học và Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y, dược Việt Nam, Bộ Y tế đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo y khoa của Việt Nam.
Đây có thể nói là hoạt động thiết thực để thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế.
Mô hình mới được xây dựng trên một số nguyên tắc chủ yếu sau: Phù hợp và hài hòa chung trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Bảo đảm tính đặc thù trong đào tạo y khoa là có 2 hướng đào tạo, cụ thể là hướng nghiên cứu và hướng hành nghề khám, chữa bệnh. Có sự kế thừa mô hình đào tạo đang áp dụng, không gây xáo trộn về cơ cấu nhân lực trong hệ thống y tế.
Đồng thời bảo đảm công bằng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tối đa năng lực làm việc và quyền lợi cho người cán bộ y tế khi tham gia thị trường lao động. Bảo đảm tính hội nhập quốc tế, dễ dàng tham chiếu khi công nhận lẫn nhau về văn bằng và trình độ đào tạo và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề. Bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Thưa ông, chương trình 4 năm với yêu cầu 20% khung chương trình để đào tạo một số môn không phải chuyên ngành như hiện nay thì có đủ truyền tải đầy đủ kiến thức về khoa học cơ bản, y học cơ sở, y tế công cộng, tiếng Anh... không?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Trong quá trình đề xuất đổi mới mô hình đào tạo, mà thực chất là sắp xếp lại quá trình đào tạo theo yêu cầu năng lực của từng giai đoạn đào tạo, chúng tôi xác định giai đoạn đào tạo đại học để cấp bằng cử nhân y khoa chỉ trang bị những kiến thức khoa học về y học, bao gồm kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và những kiến thức nền tảng về chuyên ngành. Chúng tôi cho rằng, với cách thiết kế chương trình theo xu hướng dựa trên năng lực, thời gian đào tạo như vậy là phù hợp.
Đây có phải là mô hình tốt nhất chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Trong quá trình xây dựng, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y, dược Việt Nam. Mô hình này cũng đã được tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, mà mới đây nhất là hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế.
Bộ Y tế cũng đã báo cáo trước Hội đồng quốc gia Giáo dục và Ủy ban quốc gia về Đổi mới và phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi cho rằng, với 6 nguyên tắc khi đổi mới đã nêu trên, mô hình đào tạo mới đã bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Xin cám ơn ông!
Theo Thúy Hà (thực hiện)/Chinhphu.vn