Áp lực trường, lớp ở huyện công nghiệp


         Là địa bàn thu hút nhiều dân nhập cư nên số lượng học sinh của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ngày càng tăng trong khi trường, lớp còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Hệ quả là tình trạng quá tải ở một số trường, ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh,...
         Đức Hòa hiện có 68 trường do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý, trong đó có 27 trường tiểu học, 29 trường mầm non và 12 trường THCS. Theo đánh giá của Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa - Lê Ngọc Khanh: “So với năm học 2011-2012, năm học 2016-2017, số học sinh của huyện tăng hơn 7.500 em, chủ yếu tập trung vào các trường thuộc những xã có khu, cụm công nghiệp. Số lượng học sinh ngày càng tăng mà trường, lớp vẫn chưa tăng nên công tác Giáo dục và Đào tạo của huyện còn nhiều hạn chế”.


Hơn 50 học sinh ngồi trong 1 lớp, bàn ghế kê thêm sát cửa ra vào ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú

Hội trường, nhà xe trở thành phòng học

Năm học 2016-2017, Trường THCS Võ Văn Tần (thị trấn Đức Hòa) có 65 lớp với tổng số 2.760 học sinh. So với năm học trước, trường tăng 3 lớp và số học sinh tăng hơn 300 em, trong khi chỉ có 32 phòng học. Số lớp tăng nhưng số phòng học vẫn không tăng!

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Tần - Nguyễn Tấn Truyền lý giải: “Số học sinh ngày càng tăng vì trường phải “gánh” những em thuộc địa bàn xã Đức Hòa Đông do nơi đây chưa có trường THCS. Nếu thực hiện đúng quy định về sĩ số học sinh trong mỗi lớp, trường có 68 lớp trong năm học 2016-2017 nhưng vì phòng học không đủ nên co lại còn 65 lớp và hệ quả, số học sinh ở mỗi lớp khá cao”.

Hiện tại, trung bình, mỗi lớp có 43 em, lớp nhiều nhất có 46 em. Trong 32 phòng học hiện có, thực chất chỉ có 22 phòng học kiên cố, 6 phòng học cải tạo từ phòng cũ nên khi học sinh ngày càng tăng, phòng học không đủ đáp ứng.

“Giải quyết bài toán quá tải học sinh khi phòng học thiếu, trường tận dụng hội trường, ngăn thành 4 phòng học để bảo đảm đủ phòng cho các lớp học 2 buổi sáng, chiều. Tuy nhiên, trường còn thiếu phòng học phụ đạo. Vì vậy, năm học 2015-2016 vừa qua, trường phải dạy phụ đạo cho học sinh sau mỗi chiều tan học từ 17 giờ 15 phút đến 19 giờ 30 phút. Hiện tại, huyện đầu tư sửa chữa 5 phòng của Trung tâm Hướng nghiệp-Dạy nghề Võ Văn Tần. Khi hoàn thành, 4 phòng học đang tận dụng hội trường sẽ chuyển sang đây học để các em không phải chịu cảnh nóng nực vì phòng chật hẹp như bây giờ” - ông Truyền cho biết thêm.

Nhà xe được tận dụng làm phòng học Anh Văn ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú

Cách Trường THCS Võ Văn Tần không xa là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú (xã Đức Hòa Hạ) cũng rơi vào tình trạng quá tải. Hơn 50 học sinh chen nhau ngồi trong 1 phòng học. Mỗi phòng học phải kê thêm vài bộ bàn ghế sát cửa ra vào để đủ chỗ cho học sinh. Nhà xe giáo viên được tận dụng làm phòng chức năng, đồng thời là phòng học Tiếng Anh. Thư viện nhà trường được tận dụng thành 2 phòng học.

“Vì vậy, giờ ra chơi, học sinh của lớp trực ngày hôm ấy sẽ đẩy xe sách lưu động cho các bạn mượn, ngồi đọc tại những hàng ghế đá trên sân trường thay vì vào thư viện như trước” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú - Lê Hoàng Cao cho biết.

Được biết, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2007 với số lượng 801 học sinh/25 lớp. Đến năm học 2016-2017, số lớp tăng với con số 50 lớp và hơn 2.300 học sinh. Bình quân diện tích cho mỗi học sinh hiện nay chỉ có 3m2, thiếu 7m2/học sinh.

“Nếu thực hiện đúng quy định 35 học sinh/lớp của trường chuẩn quốc gia thì trường thiếu hơn 40 phòng học và 8 phòng chức năng, trong khi hiện nay, toàn trường chỉ có 22 phòng học. Vì vậy, mong rằng, trường được tạo quỹ đất mở rộng diện tích để có đủ sân chơi cho các em, đồng thời, tách trường và xây dựng phòng học, phòng chức năng để đủ đáp ứng nhu cầu dạy, học và hướng đến dạy bán trú cho học sinh” - ông Cao mong muốn.


Vì “gánh” số học sinh của xã Đức Hòa Đông nên số học sinh Trường THCS Võ Văn Tần ngày càng tăng

Ảnh hưởng đến việc dạy và học

Chưa có trường THCS trên địa bàn xã nên học sinh ở Đức Hòa Đông phải di chuyển quãng đường xa đến Trường THCS Võ Văn Tần học tập. Đối với các em, hành trình tìm chữ cũng vất vả, nhọc nhằn. Em Nguyễn Lê Ngọc Mỹ, lớp 8A15, Trường THCS Võ Văn Tần chia sẻ: “Nhà em cách xa trường nên mỗi lần đến lớp, em đạp xe mất hơn 45 phút. Để kịp giờ học, ở nhà, em chuẩn bị quần áo, sách vở đi học từ lúc 10 giờ 30 phút để không bị trễ”.

Ngoài việc học sinh đi học vất vả, theo ông Nguyễn Tấn Truyền, số học sinh ở Trường THCS Võ Văn Tần quá đông trong khi chỉ có 1 giáo viên tổng phụ trách Đội nên việc quản lý nền nếp học sinh còn khó khăn, nhà trường phải phối hợp Đoàn Thanh niên hỗ trợ.

Còn ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú, vì số học sinh trong một lớp quá đông nên việc tiếp thu bài giảng rất khó. Hơn nữa, khi giáo viên thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28-8-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khó khăn vì không toàn diện và không sát được từng học sinh. Vì vậy, việc uốn nắn học sinh chưa kịp thời.

Hơn nữa, với con số 50 lớp như hiện nay, trong khi Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú chỉ có 40 giáo viên nên một số giáo viên phải dạy và chủ nhiệm 2 lớp. Áp lực làm việc của giáo viên trong năm học này tăng gấp đôi!

Cô Lê Hồng Anh, giáo viên của trường cho rằng: “Năm học trước, tôi chỉ dạy 1 lớp nhưng năm nay, vì thiếu giáo viên, trong khi số lớp tăng nên tôi dạy, chủ nhiệm 2 lớp (3/9 và 4/5). Cả 2 lớp này đều có trên 50 học sinh/lớp nên giáo viên dạy rất vất vả, học sinh tiếp thu bài cũng không đều. Hơn nữa, học sinh có đứa là con công nhân nhập cư nên thường biến động sĩ số, gây khó khăn cho giáo viên trong việc quản lý và theo dõi sức học của các em. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn, áp lực quá tải học sinh nhưng cũng phải cố gắng để dạy tốt cho các em học tốt”.

Trước thực trạng áp lực vì thiếu trường, ông Lê Ngọc Khanh đề nghị: “Cần xây mới Trường THCS Đức Hòa Đông để giảm tải áp lực cho Trường THCS Võ Văn Tần. Đồng thời, năm học 2017-2018, có ít nhất một trường tiểu học ở địa bàn các xã có khu, cụm công nghiệp phải xây mới để đáp ứng nhu cầu học tập”.

Có như vậy, việc quá tải phần nào sẽ được giải quyết, con đường xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các trường trên địa bàn huyện Đức Hòa cũng bớt gian nan./.

Theo Thùy Hương/Báo Long An Online

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​