Trường mầm non chịu nhiều áp lực trước nhu cầu gửi trẻ
- Details
- Đăng ngày 14/09/2016 Lượt xem: 3481
Tại các huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp, địa bàn tập trung đông dân cư, câu chuyện về áp lực trường lớp, đặc biệt là cấp mầm non vẫn tiếp diễn. Trong năm học này, nhiều trường mầm non phải “gồng” thêm 30-50 trẻ so với năm học trước, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Chỗ ăn trưa của trẻ trở nên chật hơn năm học trước
Trong đợt tuyển sinh đầu năm học 2016-2017, nhiều trường mầm non không thể nhận thêm trẻ vì quá tải, mặc dù nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh còn rất nhiều, đặc biệt tại các địa phương có khu, cụm công nghiệp, địa bàn tập trung đông dân cư. Tuy từ chối nhận thêm trẻ nhưng ở các trường mầm non cũng tăng đột biến về sĩ số so với năm học trước. Điều này dẫn đến, các trường chịu nhiều áp lực về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, đồ dùng dạy học và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trường Mẫu giáo Phước Lợi (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) hiện có 700 trẻ, tăng 50 trẻ so với năm học trước và tăng khoảng 140 trẻ so với quy định. Đó cũng là mức sĩ số trẻ tối đa mà nhà trường có thể nhận. Thế nhưng, vẫn còn nhiều trường hợp trẻ 3-4 tuổi có nhu cầu gửi mà nhà trường phải từ chối. Sĩ số mỗi lớp tại Trường Mẫu giáo Phước Lợi từ 40-43 trẻ. Hiện, trường đang thiếu 4 giáo viên. Với áp lực ấy, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn, không để ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, trong đó, mỗi giáo viên tự cố gắng, quán xuyến lớp, bảo đảm quan tâm đủ đến từng trẻ.
Giáo viên theo sát trẻ trong các hoạt động học
Cô Nguyễn Thúy Trang, phụ trách lớp Lá 4 chia sẻ: Lớp tôi có 40 trẻ, nhiều hơn 5 trẻ so với quy định. Công việc cũng vì thế mà nhiều và áp lực hơn. Lớp học quá đông nên giáo viên khó quản lý và nhiều trẻ không chú ý khi cô giáo dạy. Do đó, tôi tăng cường làm thêm đồ dùng, đồ chơi, áp dụng nhiều phương pháp dạy nhằm thu hút sự hứng thú của trẻ. Có như vậy, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mới được bảo đảm.
Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo Phước Lợi cũng thường xuyên động viên giáo viên, tổ chức nhiều buổi dự giờ, thao giảng rút kinh nghiệm. Từ đó, giáo viên có thêm nhiều phương pháp dạy hay, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường mặc dù số trẻ có quá tải. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lợi - Trần Thị Hồng Gương cho biết: Mặc dù trên địa bàn xã có 5 nhóm trẻ tư thục “gánh” một phần không nhỏ áp lực cho trường nhưng vẫn còn rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ chưa được đáp ứng. Do đó, tôi kiến nghị mở thêm trường mầm non tư thục cũng như nhóm trẻ tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của tất cả phụ huynh, giúp họ an tâm lao động sản xuất.
Tình trạng quá tải ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ
Trường Mẫu giáo Long Trạch (xã Long Trạch, huyện Cần Đước), cũng chung tình trạng quá tải. Hiện, trường có 375 trẻ với 10 lớp. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhà trường chỉ có 8 lớp. Trường phải dùng 2 phòng chức năng làm phòng học, trong đó, 1 phòng có diện tích khá nhỏ. Với cơ sở vật chất hiện có, trường chỉ ưu tiên nhận trẻ 4-5 tuổi, còn rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ nhưng không thể đáp ứng. Là địa bàn có khu công nghiệp, dân nhập cư đông nên trường phải “gánh” thêm khoảng 100 trẻ nhập cư. Với số lượng trẻ tăng, các đồ dùng phục vụ dạy học, đồ dùng nhà bếp, bàn ghế cho trẻ cũng thiếu, trường cố gắng tận dụng các đồ dùng cũ và trang bị thêm nhiều đồ dùng mới nhằm phục vụ tốt cho trẻ.
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Trạch - Trần Thị Phương Lan cho biết: Nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rất cao vì chi phí gửi trẻ thấp hơn so với các nhóm trẻ tư thục. Khi không thể nhận thêm trẻ, nhà trường giới thiệu đến phụ huynh những nhóm trẻ, trường mầm non lân cận nhằm giúp phụ huynh gửi được trẻ. Trước thực tế đó, tôi mong muốn các cấp trên đầu tư xây dựng thêm phòng học cho nhà trường để có thể nhận thêm trẻ 3 tuổi, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh./.
Theo Ngọc Sương/Báo Long An Online