Bốn đề tài lĩnh vực STEM được trao giải tại ViSEF
(Chinhphu.vn) - Tối 14/3, Ban Tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia ViSEF 2016 khu vực phía Nam đã trao 4 giải thưởng ứng dụng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Trao giải cho các tác giả của 4 đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao tại ViSEF 2016 phía Nam. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Cuộc thi ViSEF 2016 khu vực phía Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 12-15/3 tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) với sự tham gia của 33 đơn vị, gồm 32 Sở GD&ĐT và Trường phổ thông Năng khiếu của ĐHQG TPHCM.
Tổng số đề tài dự thi là 206 thuộc 19 lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong đó cấp THPT có 160 đề tài của 279 học sinh; cấp THCS là 46 đề tài của 79 học sinh.
Ban Tổ chức đã chọn 4 đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao, cũng như hướng phát triển sản phẩm để trao giải.
Đó là đề tài “Sản phẩm nghiên cứu phương pháp viết chữ bằng suy nghĩ sử dụng sóng điện não dành cho người khuyết tật” của em Phan Quốc Thắng, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM; đề tài “Quản lý điện thông minh” của em Nguyễn Dương Kim Hảo, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TPHCM; đề tài “Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu” của nhóm học sinh Dương Duy Minh và Trình Minh Thư, Trường THPT Lê Anh Xuân và THPT chuyên Bến Tre, tỉnh Bến Tre; đề tài “Thiết bị hỗ trợ chăm sóc cây trồng trong nhà” của nhóm học sinh Trần Hữu Trí và Nguyễn Đình Nhật Tài, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long.
Các giải thưởng cho đề tài ứng dụng STEM được trao tại cuộc thi ViSEF 2016 nhằm khuyến khích, động viên các em học sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Đồng thời, thúc đẩy các em ngày càng tiếp cận được với nhiều lĩnh vực STEM, thiết kế xây dựng các đề tài khoa học có tính sáng tạo, bắt kịp với nền khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới và giúp các em có tự tin tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF.
Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, năm nay có khá nhiều đề tài thuộc chủ đề công nghệ thông tin rất phù hợp với tiêu chí riêng về vận dụng STEM trong khoa học kỹ thuật như: Phần mềm hệ thống, phần mềm nhúng, xử lý dữ liệu, ngôn ngữ lập trình, máy thông minh, máy sinh học, các hệ thống giám sát điều khiển và các đề tài về IoT (internet vạn vật)...
Theo Thanh Thủy/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ