Giới thiệu mô hình Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt-Hàn
(Chinhphu.vn) - Ngày 17/12 tại TPHCM, Sở Công Thương TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo giới thiệu Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) và cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ, đơn vị quản lý Vườn ươm cho biết, Vườn ươm KVIP tại TP. Cần Thơ là kết quả nằm trong chương trình hợp tác toàn diện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về công nghệ công nghiệp.
Mục tiêu của Vườn ươm là đẩy mạnh đổi mới công nghệ cho các DN nhỏ và vừa tại Cần Thơ và các tỉnh, thành phố lân cận trong một số ngành công nghiệp chiến lược gồm chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo.
Giới thiệu mô hình Vườn ươm tới các DN, ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm KVIP cho biết, quy trình ươm tạo được tiến hành trong 3 năm, trải qua các bước gồm tiền ươm tạo; DN tham gia đăng ký, xét tuyển và tham gia ươm tạo; giai đoạn ươm tạo; KVIP và đội ngũ chuyên gia hỗ trợ DN xây dựng quy trình sản xuất, thử nghiệm; chế biến, chế tạo sản phẩm; giới thiệu sản phẩm ra thị trường và đánh giá kết quả.
Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1193/QĐ-TTg về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (KVIP) tại TP. Cần Thơ. Theo Quyết định này, DN tham gia ươm tạo tại Vườm ươm sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển từ giá thuế đất. |
DN sau khi kết thúc giai đoạn ươm tạo và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp có thể đến khu Vườn ươm (dự kiến xây dựng năm 2017 với quy mô 200 ha) để thuê đất tổ chức sản xuất kinh doanh đối với sản phẩm đã được ươm tạo.
Tại đây, DN được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù như: Miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, từ năm thứ 5 đến năm thứ 13 chỉ phải đóng 5% và đặc biệt, các DN sẽ được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, mới có 2 DN đủ điều kiện xét tuyển vào KVIP. Sở dĩ có con số khiêm tốn như vậy, theo ông Quốc, là do các DN và các đơn vị, cá nhân muốn xét tuyển vào KVIP cần phải có ý tưởng sáng tạo, khác lạ so với thị trường, đồng thời phải mang tính khả thi cao.
Cũng tại Hội thảo, GS. Kim Hee Sup, chuyên gia của KVIP đã giới thiệu đến các DN Hàn Quốc về tiềm năng rất lớn trong phát triển các ngành chế biến về nông thủy sản của vùng ĐBSCL bởi đây là vùng đồng bằng trù phú, nhiều nông sản đặc sản cũng như điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. GS Kim Hee Sup tin tưởng KVIP sẽ là địa chỉ kết nối, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Theo Lê Anh/Chinhphu.vn