Chile xây kính viễn vọng lớn nhất thế giới
(Chinhphu.vn) - Đặt ở độ cao hơn 2.500m so với mặt nước biển, kính viễn vọng lớn nhất thế giới Magallanes cho phép các nhà khoa học quan sát rõ hơn sự phát triển của vũ trụ; tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như trên Trái Đất; những hố đen, những ngôi sao mới, cũng như những hành tinh ở cách xa Trái Đất từ 12-13,2 tỷ năm ánh sáng.
Chile là quốc gia có nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới. Ảnh minh họa
Ngày 11/11, công trình kính viễn vọng lớn nhất thế giới Magallanes của Chile chính thức được khởi công tại La Campana, thuộc vùng sa mạc Atacama, phía Bắc quốc gia Nam Mỹ này.
Với chi phí dự kiến 1 tỷ USD, kính viễn vọng Magallanes sẽ được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, cho phép chụp hình ảnh có độ nét gấp 10 lần so với kính viễn vọng Hubble.
Công trình có chiều cao 25,4m, gồm 7 khối kính có đường kính 8,4 m. Mỗi khối nặng 17 tấn và phải mất 1 năm để tôi và làm nguội. Sau đó, phải mất thêm 3 năm nữa để hoàn thiện bề mặt và mài từng chi tiết cẩn thận, tỉ mỉ.
Rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới sẽ tham gia vào công trình kính viễn vọng Magallanes như Harvard (Mỹ), Đại học Quốc gia Australia, Đại học bang Arizona (Mỹ), Đại học bang Texas (Mỹ) và Viện Vũ trụ Hàn Quốc, cùng với nhiều tổ chức của Chile và 11 đối tác quốc tế khác. Hiện số vốn cam kết vào khoảng 500 triệu USD.
Hiện Chile là quốc gia có nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới với 5 trạm đang được các tổ chức của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Brazil vận hành và đến năm 2020 nước này sẽ sở hữu hơn 70% hệ thống cơ sở hạ tầng thiên văn trên thế giới. Hiện tổng giá trị các nguồn đầu tư xây dựng kính viễn vọng ở Chile lên tới 6 tỷ USD.
Theo PN/Chinhphu.vn