Bớt dạy trẻ những thứ cao siêu!


Trường học giáo dục học trò những thứ cao siêu, vĩ đại nhưng lại quên mất làm thế nào để những đứa trẻ được sống như một người bình thường

Tại diễn đàn giáo dục "Trường học kiến tạo" do Tổ chức Đào tạo và Tư vấn giáo dục Faros tổ chức mới đây tại TP HCM, các chuyên gia giáo dục cho rằng chúng ta hầu hết đều quan tâm nhiều đến chương trình, sách giáo khoa, giáo viên (GV) mà không quan tâm dạy trẻ các vấn đề về đời sống.

Quá nhiều áp lực, nỗi sợ vây quanh

Lấy ví dụ từ thực tiễn, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho biết chúng ta thường nghe GV, phụ huynh nói chúng tôi không dạy con mình làm điều xấu thế này thế kia. Nhưng chính các hành vi, cử chỉ, bầu không khí, văn hóa trong cuộc sống hằng ngày, hằng giờ tác động trong vô thức đứa trẻ, dẫn dắt đứa trẻ làm điều đó. Ông Vương cho rằng có rất nhiều yếu tố giáo dục tác động đến con trẻ. Đó là gia đình, nhà trường, truyền thông và đặc biệt tất cả đều chịu tác động bởi không khí, áp chế vô hình trong xã hội.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng cần giáo dục trẻ những vấn đề gần gũi trong cuộc sống

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Quốc Vương cho hay không khí, áp chế vô hình của xã hội tác động đến giáo dục rất lớn. Lâu nay chúng ta thường quan tâm đến chương trình, sách giáo khoa, chất lượng GV nhưng chính những thứ vô hình, không hiện hữu trước mặt lại là những thứ có khả năng điều chỉnh hành vi, tư duy, trí tuệ của một đứa trẻ, thậm chí sự điều khiển này còn rất ghê gớm. Ví dụ khi một người lãnh đạo hỏi: Có ý kiến gì không? Không ai có ý kiến thì điều đó vô hình điều khiển suy nghĩ của chúng ta chứ không phải người lãnh đạo kia cấm không cho ai có ý kiến.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa mô hình trường học kiến tạo về Việt Nam, chia sẻ dường như có những nỗi sợ vô hình trong giáo dục khiến những người muốn đổi mới không dám đổi mới. Ngay cả chính hiệu trưởng, GV cũng có nhiều nỗi sợ, sợ cơ chế, sợ phụ huynh… Lấy ví dụ từ thực tiễn tại trường mình, bà Uyên Phương kể lại, rất nhiều phụ huynh yêu cầu trường phải gắn camera, họ nói lý do là muốn con được an toàn, ăn uống đàng hoàng. Mở rộng ra, cha mẹ nào cũng mang nỗi sợ, kể cả bỏ ra rất nhiều tiền vẫn mang một nỗi sợ liệu con mình có được đối xử tốt hay không, có ổn không? Giờ đây tất cả có chung một nỗi sợ là sợ mạng xã hội.

Hãy dạy trẻ tự lập

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cho biết đa số phụ huynh hiện nay đều có tư tưởng so sánh con mình với "con người ta", từ đó nảy sinh tâm lý đua đòi muốn con phải giỏi cho bằng bạn bằng bè bất chấp đứa trẻ đó có mong muốn hay không. Hiệu trưởng một trường THPT tư thục đến từ Đồng Nai kể lại câu chuyện nhiều gia đình khi cho con nhập học yêu cầu nhà trường phải cam kết con họ giỏi toàn diện, điểm số cao nếu không sẽ chuyển trường. "Một đứa trẻ giỏi học toán chưa chắc giỏi được lịch sử. Phụ huynh đón con về thường hỏi hôm nay được bao nhiêu điểm mà không hỏi hôm nay con đi học có vui không" - vị này bày tỏ.

Nhiều chuyên gia giáo dục khác nêu thực trạng rằng có một thực tế hiện nay là chúng ta đang giáo dục học trò những thứ rất cao siêu, vĩ đại. Nhưng trước khi để làm được những điều lớn lao, to tát đó thì cần phải làm sao để trẻ được sống, lớn lên như một người bình thường. Theo ông Nguyễn Quốc Vương, người bình thường là dám nói điều mình nghĩ, dám nói điều mình muốn nói, sống bằng sức lao động của mình, biết quan tâm đến người khác. "Giáo dục đời sống đơn giản là giáo dục tự lập trong sinh hoạt. Con người không tự lập trong sinh hoạt, dẫn đến không tự lập trong tư duy và có xu hướng trở thành con người nô lệ" - ông Vương nói.

Từ câu chuyện thực tế bản thân, bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, cho rằng giáo dục không phải là những gì to lớn, cao siêu về kiến thức, tài năng mà đơn giản là trao tình thương, niềm tin, hy vọng. Giáo dục là chúng ta muốn trở thành người để che chở cho người khác, che chở cho chính mình. Một sự động viên kịp thời, bàn tay chìa ra với một đứa trẻ đang buồn hoàn toàn không hề cao siêu. Nhưng nếu giải quyết được cảm giác ngay thời điểm đó thì đã trao cho đứa trẻ niềm tin, hy vọng, tình thương. Từ đó, đứa trẻ sẽ hoàn thiện bản thân. 

Hướng tới chuẩn mực

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết với phát triển kinh tế - xã hội như ngày nay, chúng ta không thiếu những học sinh cao to, nói tiếng Anh lưu loát nhưng chưa chắc có sự bền vững từ bên trong. Bà Phương cũng cho rằng để giáo dục gần gũi đời sống, muốn con trẻ hạnh phúc không có nghĩa là chúng ta không bắt buộc trẻ học gì cả, để trẻ phát triển tự nhiên mà trường học tốt là biết hướng các em đến sự ưu tú, đến những chuẩn mực chất lượng, không phải là sự dễ dãi, học sinh thích gì làm nấy.

Theo Phương Quỳnh

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bot-day-tre-nhung-thu-cao-sieu-20210105211225079.htm

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​