Muốn trưởng thành phải bước qua gian khổ

Tôi được giới thiệu về cậu sinh viên Phạm Hoàng Phú vào một dịp khá tình cờ, vừa may tôi cũng đang cần nhân vật mới cho loạt bài viết về sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA). Thoạt đầu tôi khá e dè vì cứ nghĩ rằng sinh viên ngành Xây dựng chắc sẽ có đôi chút dữ dằn và khó gần, thế nhưng ngồi đối diện với tôi lại là một cậu trai trầm tính, nụ cười rất hiền lành, câu chuyện về cuộc đời và nghị lực của em đã khiến cho tôi, một người trưởng thành cũng phải nhìn lại chính bản thân mình.

Phạm Hoàng Phú- sinh viên lớp 15XD

Sinh ra trên mãnh đất Tiền Giang đầy thăng trầm cùng lịch sử, cậu sinh viên lớp 15XD đã từng sống rất hạnh phúc cùng với gia đình. Năm 2009, biến cố gia đình ập đến, cậu bé Hoàng Phú 12 tuổi khi ấy chưa kịp nhận ra những thay đổi chóng vánh sắp sửa diễn ra với mình. Do không xoay được đồng vốn nên việc kinh doanh của gia đình Hoàng Phú gặp thất bại và phá sản. Cha Phú bỏ đi như tìm cho mình một lối thoát, chỉ còn em và mẹ chống chọi với cuộc sống phía trước. Từ một cậu bé sống trong sung sướng không phải lo toan bất cứ điều gì, giờ đây gia đình Phú mất tất cả, Phú chỉ có mẹ làm nơi nương tựa cuối cùng. Thời gian qua đi, Phú bắt đầu vừa học vừa làm, ai kêu gì em làm đó, chỉ mong có được đồng tiền để trang trải cho từng bữa ăn. Tôi hỏi rằng, tại sao giữa những khó khăn em lại không tìm một công việc để làm lâu dài mà lại chọn học Đại học? Phú trả lời tôi rất chân thành: “Em may mắn có được sự động viên của người thân và họ hàng, ai cũng khuyên em nên đi học. Cha em làm ăn thất bại chứ em không làm gì sai để không được đi học, em đi học để sau này còn lo cho mẹ nữa”. Thế là Phú quyết định chọn Trường DLA để học đại học như một cái duyên, phần vì gần nhà, giảm được chi phí sinh hoạt, phần vì không muốn xa mẹ.

Câu chuyện giữa tôi và Phú có đôi lúc trầm xuống khi em nhắc về mẹ. Khoảng thời gian học Đại học với Phú là cả một sự khó khăn, khi em phải chật vật trong việc trang trải học phí. Phú kể rằng mẹ đã phải đi mượn tiền để đóng học phí cho em nhưng mẹ không hề nói cho em biết để em yên tâm học hành. Đây là chính là nguồn động lực để Hoàng Phú phấn đấu học tập. Đã có lúc Phú cảm thất mệt mỏi và chùn bước, nhưng lại tiếp tục vì Phú luôn tâm niệm rằng, chúng ta có quyền thất bại nhưng không được phép từ bỏ. Và rồi may mắn đã mỉm cười với Hoàng Phú khi 2 năm qua em đã được Trường DLA trao học bổng bằng sự cố gắng của chính mình. Đôi mắt em sáng ngời khi được nhắc về học bổng: “Em thật sự rất vui và cảm ơn trước sự yêu thương của quý thầy cô và nhà trường đã tạo điều kiện và cơ hội để em được học tập tốt và giảm bớt nỗi lo về cuộc sống hàng ngày. Học bổng đối với em là món quà lớn và là niềm tin để em tiếp tục vững vàng trên đường đời”. Đằng sau những niềm vui hiện lên trên gương mặt Phú, tôi trầm ngâm hỏi em: “Em có thấy cuộc sống bất công với em không? Khi bằng tuổi em, các bạn còn lo ăn lo chơi mà em đã phải bước ra đời để kiếm tiền, vừa lo chuyện học vừa lo cho gia đình”. Phú vẫn trả lời tôi bằng một vẻ trầm lặng vốn có: “Em chưa bao giờ nghĩ cuộc đời không công bằng với mình vì số phận mỗi người mỗi khác chị ạ. Một người trưởng thành và có ý chí phải qua một môi trường gian khổ. Em chỉ thấy thua người khác về vật chất thôi. Có ai sinh ra mà không đi lên từ bàn tay trắng đâu chị”.

Cuộc nói chuyện của tôi và Phạm Hoàng Phú khép lại đầy tiếc nuối khi em đến giờ đi làm phụ hồ cho một vài công trình. Nhìn cậu sinh viên năm 2 khoác vội chiếc áo loang lỗ những vết sơn, những vết xi măng chưa kịp khô mà tôi thấy khóe mắt mình cay cay đến lạ. Em còn trẻ quá, thế mà cách nói chuyện đã chững chạc lắm rồi, có lẽ cuộc đời đã dạy cho em nhiều thứ, đã tôi luyện cho em cái vẻ cứng cỏi và mạnh mẻ của một người đàn ông. Thế nhưng, sâu thẳm trong những lời nói của em, tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn khi gia đình em chưa được sum họp. Tôi chỉ mong em có thật nhiều sức khỏe để học tập tốt và làm việc tốt, mong cho những cố gắng của em sẽ đạt được những quả ngọt trong tương lai. Hãy tin rằng em không cô độc trên bước đường phía trước vì bạn bè thầy cô trường DLA luôn bên cạnh động viên và hỗ trợ em.

Theo Hoàng Yến (Thực hiện)/Trường DLA

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​