"Make in Vietnam" để phát triển bền vững


Cốt lõi của "Make in Vietnam" chính là chất xám của người Việt

Cụm từ "Make in Vietnam" đã được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng chính thức nhiều lần từ tháng 12-2018. Phong trào tạo ra các sản phẩm "Make in Vietnam" (Hãy làm tại Việt Nam) ngày càng được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chú trọng và gần đây, nó trở thành một chiến lược của Chính phủ nằm trong tầm nhìn "xây dựng một nền kinh tế bền vững dựa vào nội lực". Với đặc trưng của mình, ngành công nghệ đang có nhiều thế mạnh để tham gia.

Sản phẩm Việt dựa vào nội lực

Trong bài phát biểu tại lễ phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" ở Hà Nội ngày 20-11-2018, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng DN Việt Nam đang đứng trước một yêu cầu sống còn là làm sao có thể tiếp tục giữ vững thị trường nội địa và vươn ra thế giới. Yêu cầu đó đòi hỏi tâm thế của DN phải thay đổi, chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động: chinh phục người tiêu dùng Việt là con đường duy nhất để các thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững. Ông Lộc nhấn mạnh phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" thực chất là cuộc vận động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và thương hiệu Việt. Cuộc vận động phải triển khai một cách toàn diện: từ nhận thức tới nâng cao năng lực, xây dựng nền tảng văn hóa, đổi mới công nghệ, nâng cấp quản trị, tăng cường kết nối, tổ chức công tác tiếp thị và phân phối...

Và sản phẩm công nghiệp "Make in Vietnam" mở hàng cũng ngay tại sự kiện đó là các dòng ôtô, xe máy điện Vinfast của Tập đoàn Vingroup. Có mặt tại sự kiện đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc Vingroup có thể tạo ra chuỗi giá trị ôtô, xe máy điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam thông qua sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư nghiêm túc từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đến dịch vụ bán hàng. Tại Diễn đàn Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam - Myanmar diễn ra tại Myanmar 2 năm trước, những giải pháp và sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" của VNPT, Viettel, FPT, Bkav, MobiFone... đã được giới thiệu với Myanmar và các nước. Tập đoàn VNPT có GPON ONT, modem ADSL, router Wi-Fi, smartphone, đầu set-top box và các giải pháp thông minh dựa trên nền tảng IoT như: Quản lý đô thị, du lịch, y tế, giám sát môi trường, nông nghiệp, giao thông...; Bkav có smartphone Bphone 3, phần mềm eGov...

Từ đầu năm 2020 tới nay, Việt Nam ngày càng có thêm nhiều giải pháp và sản phẩm đạt tiêu chí "Make in Vietnam". VNPT tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp cho Chính phủ điện tử, hoạt động online. Bkav tiếp tục hoàn thiện Bphone và phát triển những công nghệ smartphone. Vingroup đã có thêm nhiều sản phẩm mang đậm dấu ấn Việt Nam về trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật, công nghệ sản xuất smartphone. Và mới đây, ngày 17-9, với smartphone mới Vsmart Aris Pro, Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart hợp tác cùng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research, đã trở thành một trong số những hãng đầu tiên trên thế giới phát triển thành công công nghệ AI xử lý hình ảnh VCam Kristal dành riêng cho camera ẩn dưới màn hình. Cuộc chạy đua bào chế vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 của một số đơn vị Việt Nam cũng hứa hẹn có những sản phẩm "Make in Vietnam".

smart Aris Pro của VinSmart là một trong những smartphone đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ camera ẩn dưới màn hìnhẢnh: VinSmart

Làm chủ được công nghệ lõi

"Make in Vietnam" không phải là cụm từ định danh xuất xứ hàng hóa như "Made in Vietnam" được quốc tế công nhận mà là cuộc vận động để bảo đảm sự sống còn và phát triển bền vững của những thương hiệu Việt.

Từ ý nghĩa của việc này, vấn đề mấu chốt hiện nay là các cấp quản lý nhà nước và cộng đồng DN, xã hội cần tích cực đẩy mạnh cuộc vận động "Make in Vietnam". Tuy nhiên, trong thế giới liên lập và có sự phân công xã hội, không yêu cầu các sản phẩm và giải pháp phải 100% do người Việt Nam phát triển mà chỉ cần các thương hiệu Việt Nam làm chủ được công nghệ, quy trình lõi của sản phẩm, giải pháp. Cốt lõi của "Make in Vietnam" chính là chất xám của người Việt, các thành phần và phụ kiện khác có thể được mua từ nước ngoài. Đối với người tiêu dùng, họ chỉ quan tâm đó là sản phẩm cụ thể gì. Sự sống còn của sản phẩm là ở chính sản phẩm chứ không phải bởi cái thương hiệu, nơi xuất xứ.

Cũng có người thắc mắc: Liệu có thật cần chế ra một cái tên như vậy, vừa dễ gây nhầm lẫn, vừa có thể bị những người làm ăn bất lương lợi dụng lập lờ để "đánh lận con đen"? Thật ra, một cuộc vận động, một chiến dịch nào cũng cần có cái tên. Ở đây, quan trọng cuối cùng vẫn là mục tiêu của cuộc vận động, chiến dịch đó. Việc xây dựng được các sản phẩm của Việt Nam là trách nhiệm của DN. Nhưng nỗ lực đó sẽ được đẩy nhanh hơn và có nhiều thuận lợi để thành sản phẩm hơn cần phải có sự hỗ trợ đúng mức của nhà nước. Chính phủ sẽ chọn ra những ngành, những sản phẩm cụ thể để cùng "đầu tư" có trọng tâm.

Việt Nam sẽ có lợi một cách bền vững khi ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ "Make in Vietnam" tự tin với nhãn xuất xứ "Made in Vietnam" có trên thị trường quốc tế và được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. Đó mới chính là mục tiêu và kết quả thật sự của cuộc vận động "Make in Vietnam". 

Bài học từ Ấn Độ, thu hút 60 tỉ USD chỉ sau 1 năm

Như Trung Quốc, tháng 9-2014, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng sáng kiến "Make in India" với mục tiêu chuyển đất nước đông dân thứ 2 thế giới thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Kết quả là chỉ trong 1 năm, Ấn Độ với thế mạnh nguồn nhân lực và thị trường khổng lồ tại chỗ đã nổi lên thành một điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đầu tư FDI năm 2015 đã đạt tới 60 tỉ USD, vượt qua cả Trung Quốc.

Phong trào "Make in India" đã biến Ấn Độ thành một trung tâm gia công cho toàn cầu.

Theo Phạm Hồng Phước

https://nld.com.vn/cong-nghe/make-in-vietnam-de-phat-trien-ben-vung-20200922215210101.htm

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​