Tránh thiệt thòi cho thí sinh khi chấm môn văn

Yêu cầu chấm lại các bài thi điểm cao môn ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã khiến điểm thi năm nay có vẻ như thấp hơn hẳn các năm trước.

Đến thời điểm này, điểm 9 môn ngữ văn khá hiếm. Ngoài một điểm 9 ở TP HCM, tại Bắc Giang điểm cao nhất là 8,5. Tại Lạng Sơn, điểm phổ biến nhất trong hội đồng chấm thi môn ngữ văn là 5-6 điểm. Thực tế này khiến không ít người bày tỏ lo ngại liệu có xảy ra tình trạng giám khảo chấm chặt, gây thiệt thòi cho thí sinh? Thực tế, so với các môn khác, môn ngữ văn với những câu hỏi mở có độ xê dịch nhất định về điểm số. Thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào đáp án, môn này phụ thuộc phần nhiều vào ý chủ quan của người chấm.

Trước băn khoăn việc cán bộ chấm thi có thể chấm chặt khiến học sinh thiệt thòi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng phải dừng ngay việc chấm thi của những giám khảo như vậy để tránh thiệt thòi cho thí sinh, nếu cần thiết phải quyết liệt xử lý. Theo ông Độ, các hội đồng chấm thi bắt buộc chấm kiểm tra 5% bài thi môn ngữ văn ngay trong quá trình chấm, trong đó có những bài có điểm cao của hội đồng mình.

Giáo viên tại Hà Nội chấm thi THPT quốc gia dưới sự giám sát chặt chẽ của các đoàn thanh tra

Ảnh: THANH HÙNG

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực của mình thì mức chênh lệch điểm môn ngữ văn giữa 2 vòng chấm chỉ có thể chênh nhau dưới 1 điểm là tối đa. "Sau khi chấm kiểm tra, thống nhất điểm giữa 2 giám khảo 1 và 2 mà chênh 1,5 điểm trở lên thì bên cạnh việc chấm thêm vòng thứ ba, cần phải xem lại nguyên nhân từ phía cán bộ chấm thi. Phải tìm hiểu chênh lệch do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, do nhận thức, năng lực hay có động cơ cá nhân để có biện pháp xử lý. Việc chấm chênh điểm thi cần được thông báo trong hội đồng ban chấm thi. Nếu giám khảo chấm lệch điểm như vậy đến lần thứ ba, hội đồng chấm thi cần kiên quyết loại bỏ" - ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tại Long An, trong buổi kiểm tra của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, cho biết sở huy động gần 120 cán bộ chấm thi 13.188 bài thi tự luận, riêng bài thi trắc nghiệm được Bộ GD-ĐT phân công Trường ĐH Sư phạm TP HCM chấm. Sở cũng đã bố trí các phòng chấm tự luận độc lập, có sự giám sát camera 24/24 giờ cùng sự giám sát của công an, lực lượng giám sát, thanh tra của bộ.

Qua kiểm tra công tác chấm thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý tất cả các khâu liên quan tại điểm chấm thi phải tuân thủ tuyệt đối quy định, quy chế, từ việc giao nhận túi bài thi phải kiểm tra niêm phong đến các khâu sau khi kết thúc một ngày chấm thi; từ biên bản có chữ ký đầy đủ đến phân công người trực đêm tại điểm thi phải bảo đảm an toàn, nghiêm ngặt. Ban chỉ đạo phải sát sao, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở quán triệt các cán bộ làm công tác liên quan chấm thi cả tự luận và trắc nghiệm, tránh sai sót dù là nhỏ nhất trong các khâu. Ngoài ra, các lực lượng tham gia như công an, thanh tra, phục vụ… phải nắm vững quy chế cũng như kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. 

Theo L.Anh - Đ.Trinh/Báo Người Lao Động

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​