Năm học 2020-2021: Nâng chất dạy và học ngoại ngữ


Ngoài chỉ tiêu 100% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ vào năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai dạy học một số môn học khác bằng ngoại ngữ

Nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2020-2021 là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.

Mở rộng chương trình tiếng Anh hệ 10 năm

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 4,58. So với năm 2019, số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình của năm 2020 chiếm tỉ lệ thấp hơn. Cụ thể, năm 2019 số thí sinh đạt điểm dưới hoặc bằng 5 chiếm 68,74%, năm 2020 là 63,13%. Nhìn vào bảng so sánh phổ điểm tiếng Anh của 3 năm gần đây trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể thấy đề thi dù khó hay dễ, tỉ lệ thí sinh điểm dưới trung bình vẫn cao và chưa có sự chuyển biến rõ rệt.

Theo TS Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm chưa được triển khai đại trà trên cả nước, nhiều địa phương chưa đủ điều kiện triển khai chương trình này. Thống kê cho thấy nếu như năm học 2018-2019, số học sinh THPT được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 đạt 14% thì con số này năm học 2019-2020 là 30,5%.

Kết quả phân tích của Bộ GD-ĐT cho thấy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) cao hơn so với điểm bài thi môn này của học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) là 2 điểm. Cô Nguyễn Thị Hương Thảo, giáo viên tiếng Anh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (TP Hà Nội), cho rằng với xu hướng tăng nhanh về tỉ lệ học sinh cả nước được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm, chắc chắn chất lượng học tiếng Anh của học sinh phổ thông ở Việt Nam sẽ tăng lên. Cô Thảo cũng kỳ vọng với việc này, điểm trung bình bài thi môn tiếng Anh THPT sẽ dần tăng theo qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích mở rộng đối tượng học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm từ năm học 2020-2021

Triển khai tiếng Anh tự chọn từ lớp 1

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong năm học mới 2020-2021 là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Người đứng đầu ngành giáo dục ra chỉ thị trong năm học này sẽ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Không chỉ bảo đảm cơ cấu, số lượng mà còn cả chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, nhất là giáo viên phổ thông để đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu ông Nhạ đặt ra là bảo đảm 100% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ vào năm học 2022-2023, tiếp tục triển khai dạy một số môn học khác bằng ngoại ngữ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ thị các địa phương khuyến khích triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) và triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các địa phương có đủ điều kiện thực hiện. Tiếp tục khuyến khích mở rộng đối tượng học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm từ năm học 2020-2021 để sẵn sàng thực hiện chương trình môn tiếng Anh mới theo lộ trình. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, bảo đảm việc đánh giá được thực hiện chính xác, công bằng, tin cậy.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay sẽ bổ sung trang thiết bị, học liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ. Tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống hỗ trợ dạy học tiếng Anh trực tuyến và trên máy tính cho cấp học phổ thông. Ngoài ra, ông Nhạ cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ tại các trường phổ thông và cơ sở giáo dục đại học. 

Rà soát việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia

 

Đối với bậc đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay trong năm học này sẽ tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của các ngành nghề đào tạo. Ông Nhạ khuyến khích các trường đại học triển khai các chương trình đào tạo sử dụng ngoại ngữ là ngôn ngữ giảng dạy trong trường. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm minh bạch, khách quan, trung thực.

Theo Yến Anh

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nam-hoc-2020-2021-nang-chat-day-va-hoc-ngoai-ngu-20200902212837923.htm

 

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​